Bấm vào hình để xem kích thước thật

Xúc động câu chuyện đôi vợ chồng già chạy xe ba gác ở Sài Gòn có con trai là bác sĩ tuyến đầu

Ngày đăng:  11/11/2021

 
Lượt xem: 3664

Ở cái tuổi xế chiều, thay vì niềm vui sum vầy bên con cháu, những ông bố, bà mẹ này lại chọn cách tự chăm sóc sức khỏe để làm món quà hậu phương gửi đến các y bác sĩ tại tuyến đầu chống dịch.

 

"Cô chú cũng tủi, con người ta ngang tuổi với con mình, ở bên chăm sóc, còn con mình thì đi chăm sóc sức khỏe cho người khác. Mấy mùa dịch rồi, có bao giờ ngồi gần nói chuyện với nhau câu nào, bữa cơm gia đình cũng chẳng có…", chú Bình mở đầu câu chuyện bằng giọng trầm buồn.

"Nó đi suốt…"

Những ngày đầu tháng 11/2021, sau hơn 4 tháng đóng cửa để phòng dịch Covid-19, tiệm tạp hóa nhỏ của chú Bùi Văn Bình (60 tuổi) và cô Huỳnh Thị Muôn (56 tuổi) đã mở cửa hoạt động.

 

Ở tuổi 60, chú Bình vẫn tất bật để lo chu toàn công việc trong nhà, giúp con trai an tâm làm công tác chống dịch

 

Công việc hàng ngày của chú Bình gắn liền với chiếc xe ba gác nhỏ

 

Loay hoay sửa lại chiếc xe ba gác để chở đồ cho khách, chú Bình vui vẻ cho biết dù ở trong tâm dịch tại TP. Dĩ An (Bình Dương) nhưng rất may mắn, cả gia đình đều bình an. Riêng người con trai lớn của cô chú, BS. Bùi Trung Hiếu, công tác tại khoa Thận - Nội tiết, BV Nhi đồng 2 vẫn chưa thể trở về nhà vì còn bận điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại BV Dã chiến số 11 (TP.HCM).

 

Uống ngụm trà, chú Bình tặc lưỡi, kể: "Từ mùa dịch năm rồi tới giờ là nó đi suốt, chỉ về được 1 tuần lễ rồi đi luôn. Hổm dịch bệnh căng thẳng, thấy con mình đi như vậy, cha mẹ mà, lo chứ. Nhưng chuyện đi chống dịch là nhiệm vụ, trách nhiệm của bác sĩ, cô chú chỉ biết động viên thôi. Thương con, nhiều lúc muốn gọi điện cho con mà không dám, sợ nó bận. Lâu lâu mở cái Facebook của con để xem, thấy nó khỏe mạnh là mừng rồi".

 

Cô Muôn rưng rưng nước mắt khi con trai lớn xa nhà liên tục nhiều tháng trời

 

Ngồi cạnh chú Bình, cô Muôn nghẹn ngào khi nhắc đến đứa con trai lớn của mình. Trong tâm thức của người làm mẹ, mấy tháng qua, nhìn thấy con trai cực khổ, dù thương con nhưng cô chỉ dám để trong lòng. Những cuộc điện thoại ít ỏi, ngắn ngủi được nói chuyện cùng con, cái câu "cha mẹ vẫn khỏe, con ráng cẩn thận" là những gì cô có thể cho BS. Hiếu biết. Cô sợ nếu nói hết, con trai sẽ lo lắng, lại mất thời gian của con làm nhiệm vụ cứu người.

 

"Nhiều lúc nhớ con quá cô khóc mình ên, nhưng con mình là bác sĩ, đâu có sự lựa chọn nào khác. Bữa trước cha nó ốm, ở nhà cũng tự chăm sóc sức khỏe thôi. Để cho con mình nó đi làm tự nhiên, chứ lo lắng rồi không làm được, vì cô biết con mình bận rộn, muốn nói chuyện nhiều cũng không dám", cô Muôn rưng rưng nước mắt

 

Nhiều tháng không được gặp con, những gì vợ chồng chú Bình, cô Muôn làm được là lướt Facebook để xem hình con cho đỡ nhớ...

 

Dù biết các cuộc điện thoại ngắn ngủi không thể nào nói hết được nỗi lòng cũng như sự quan tâm của bố mẹ dành cho con cái cũng như đòi hỏi BS. Hiếu phải chăm lo cho gia đình. Bao nhiêu trăn trở, suy tư, chú Bình - cô Muôn đều giữ ở trong lòng. Hai vợ chồng chỉ mong sao BS. Hiếu ở tuyến đầu có thể an tâm làm nhiệm vụ, cùng mọi người nhanh chóng giúp dịch bệnh được kiểm soát.

 

"Cô chú không thể để con lo, bận tâm về sức khỏe bố mẹ ở nhà mà mất thời gian chống dịch được. Nhiều lúc chú gọi điện còn tiếc cho thời gian của con mình, chỉ cần nghe nó nói bận là liền cúp máy. Chắc 6 tháng rồi, cả gia đình chưa có bữa cơm chung nào cả", chú Bình tâm sự.

 

Ở cái tuổi ngấp nghé 60, ngoài việc tự chăm sóc sức khỏe, nghe theo lời dặn của BS. Hiếu, ngày thường cô Muôn buôn bán tạp hóa, cà phê còn chú Bình thì chạy xe ba gác chở đồ cho bà con quanh vùng. Phần vì để có công việc đi tới đi lui cho đỡ buồn tủi, phần vì vợ chồng muốn BS. Hiếu an tâm về sức khỏe của bố mẹ ở nhà.

 

"Cha mẹ thì ai cũng mong chờ con mình cả, nhưng con mình làm ngành y nên mình phải hiểu và thông cảm cho con. Cô chỉ mong gia đình mình luôn khỏe mạnh, nói chứ nó đi chống dịch, mình ở nhà lo đủ thứ. Dù nó có lớn thì trong mắt cô chú, BS. Hiếu vẫn còn non trẻ, cô chú tuy lớn tuổi nhưng được cái còn sức khỏe, cứ động viên nhau phải cố gắng chăm sóc bản thân, tạo động lực cho BS. Hiếu an tâm công tác tốt. Cô nghĩ sức khỏe của cha mẹ chính là món quà quý giá nhất mà con cái mong chờ nhận được", cô Muôn trải lòng.

 

Đợi thành phố hết dịch, con sẽ về nhà…

Đó là lời tâm sự của BS. Bùi Trung Hiếu, hiện đang công tác tại BV Dã chiến số 11 (TP. Thủ Đức) sau hơn 4 tháng tạm xa gia đình để tham gia vào tuyến đầu chống dịch.

 

BS. Bùi Trung Hiếu xúc động khi nhắc đến gia đình

 

Mặc dù tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đang dần được kiểm soát, người dân sống những ngày "bình thường mới" nhưng BS. Hiếu vẫn chưa thể rời nhiệm vụ tại BV Dã chiến để quay trở về nhà. Suốt hơn 4 tháng xa gia đình, xa bố mẹ già, đối với các y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch, ngoài sự lo lắng trong công tác chuyên môn, điều trị bệnh nhân, nỗi nhớ nhà, lo cho gia đình vẫn là điều trăn trở.

 

"Mình là con trai lớn mà, lo chứ, vì không ở gần gia đình, lúc đó Bình Dương cũng đang là tâm điểm của dịch bệnh, mình chỉ biết gọi điện về để hỏi thăm bố mẹ, quan tâm bằng tin nhắn, điện thoại thôi.

 

Lúc đầu, mình cứ nghĩ đi chống dịch một thời gian ngắn rồi sẽ về nhà, nhưng rồi hết đợt này qua đợt khác, số ca nhiễm cứ tăng lên. Phần vì mình sợ nếu về nhà sẽ có nguy cơ mang mầm bệnh, phần vì bản thân muốn tiếp tục cùng các y bác sĩ chiến đấu, đến khi nào hết dịch mới thôi", BS. Bùi Trung Hiếu tâm sự.

 

Hết đợt công tác ở Khu cách ly đến BV Dã chiến, hơn 4 tháng ròng, BS. Hiếu chưa thể về nhà

 

Để khuây khỏa nỗi nhớ nhà cũng như hỏi thăm sức khỏe bố mẹ, trong những cuộc điện thoại gọi về cho gia đình, ngoài việc căn dặn bố mẹ cẩn thận phòng chống dịch bệnh, BS. Hiếu cũng tranh thủ kể những niềm vui nho nhỏ của mình để bố mẹ an tâm hơn.

 

"Tuy thời gian nói chuyện với nhau không nhiều nhưng mình chỉ cần nghe được bố mẹ mình vẫn còn khỏe, ở nhà đều bình an là mình có động lực để tiếp tục ở lại công tác chống dịch.

 

Đôi lúc việc xa nhà liên tục, không có thời gian để chăm lo cho bố mẹ, làm tròn trách nhiệm của một người con, mình thấy bản thân có một chút ích kỷ với gia đình. Mình mong thành phố nhanh hết dịch, để mình về nhà bù đắp cho bố mẹ những gì chưa làm được trong thời gian qua".

 

Cuộc gọi điện ngắn ngủi của 2 mẹ con lúc rảnh rỗi...

 

Không thể gặp trực tiếp bố mẹ để chăm sóc về mặt sức khỏe, những gì BS. Hiếu biết được đều thông qua lời nói của bố mẹ. Nhiều lần thấy bố mẹ có biểu hiện về mặt sức khỏe nhưng không nói, BS. Hiếu chỉ biết nguyện cầu cho gia đình được bình an.

 

"Bố mẹ thì lúc nào cũng sợ con cái lo lắng nên có gặp gì cũng giấu, mình chỉ mong bố mẹ luôn có sức khỏe, phải luôn vui vẻ với cuộc sống hiện tại. Bố mẹ đã hi sinh rất nhiều cho mình rồi, giờ là lúc bố mẹ cần được nghỉ ngơi để con cái quan tâm, chăm sóc lại", BS. Hiếu trải lòng.

 

Cũng giống như bố mẹ ở nhà, điều BS. Hiếu mong muốn nhất là nhanh chóng dịch bệnh được kiểm soát, các bệnh viện không còn bệnh nhân Covid-19 nữa để các y bác sĩ có thể thảnh thơi, quay trở về nhà sau chuỗi ngày dài chiến đấu.

 

Sức khỏe của chú Bình, cô Muôn chính là món quà quý giá nhất dành tặng cho BS. Hiếu

 

Gần nửa năm xa gia đình, dù đoạn đường đi về nhà chỉ hơn 10km nhưng chưa bao giờ cả nhà BS. Hiếu có được một bữa cơm gia đình đúng nghĩa.

 

"Điều đầu tiên sau khi chống dịch trở về nhà sẽ đưa bố mẹ đi ăn ở một nơi nào đó. Và nếu không còn giãn cách nữa thì sẽ có 1 buổi dã ngoại, mình nghĩ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, gia đình chính là điểm tựa, là niềm hạnh phúc lớn nhất mà bản thân mỗi người có được.

 

Giờ sức khỏe của bố mẹ là món quà vô giá đối với bản thân mình, chỉ mong bố mẹ luôn khỏe mạnh để có thể ở cạnh con cháu lâu nhất", BS. Hiếu xúc động.

 

Có lẽ không chỉ riêng BS. Hiếu mà đối với tất cả những người con, món quà quý giá nhất mà mỗi người mong có được chính là sức khỏe, sự bình an của bố mẹ, gia đình. Hi vọng sau chuỗi ngày gồng mình chống dịch, một cuộc sống mới sẽ đến với những điều tốt đẹp nhất dành cho mọi người.

 

 

Đăng bởi: Thúy Nguyễn

[Trở về]

Các tin khác