Bấm vào hình để xem kích thước thật

Các biện pháp xử trí khi bị rắn cắn

Ngày đăng:  24/08/2020

 
Lượt xem: 13779

Những ngày qua, tai nạn do rắn cắn lại xuất hiện, điển hình là trường hợp bệnh nhân bị rắn hổ cắn từ Tây Ninh chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy. Khoa cấp cứu bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đang tiếp nhận điều trị 2 trường hợp bị rắn hổ cắn từ Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, trong đó một bệnh nhi 30 tháng tuổi và một bệnh nhi 10 tuổi. Cả 2 bệnh nhi đang được thở máy, điều trị tích cực và bắt đầu có dấu hiệu cải thiện.

 
 
 
 
 
 
 
 
 
Bệnh viện Nhi đồng 2 xin chia sẻ với quý phụ huynh những thông tin cần thiết xử trí khi trẻ bị rắn cắn.
Phân loại: Thường gặp 2 loại rắn độc
- Họ rắn lục: rắn lục điển hình, chàm quạp… gây rối loạn đông máu
- Họ rắn hổ: hổ chúa, hổ đất, hổ mèo, cạp nong, cạp nia … gây liệt, suy hô hấp
 
      
 
Triệu chứng thường thể hiện rõ ngay sau khi bị rắn cắn, nên việc quan sát nạn nhân là cực kỳ quan trọng.
 
 
CÁC BIỆN PHÁP SƠ CỨU TẠI CHỖ KHI RẮN CẮN:
- Cố gắng xác định được loài rắn đã cắn; màu sắc, kích thước, hình dạng đầu, cách thức tấn công, tất cả đều hữu ích.
 
 
- Để nạn nhân nằm yên và trấn an họ; cử động sẽ khiến máu chảy và truyền nọc độc đến tim nhanh hơn.
- Cố định chân tay nhưng không được hạn chế sự lưu thông của máu trừ khi chúng ta biết chắc loài rắn đã cắn có nọc độc tác động đến thần kinh.
 
 
 
- Nới lỏng quần áo của nạn nhân và nếu cần thiết có thể cởi các đồ trang sức (nhẫn, vòng) ở vùng bị cắn.
- Cần phải theo dõi sát tình trạng hô hấp của bệnh nhân, nếu bệnh nhân thở nhanh, yếu, hoặc xuất hiện tím môi phải hô hấp nhân tạo ngay. Vì nguyên nhân tử vong hàng đầu là suy hô hấp do liệt cơ hô hấp, nên nếu không được hô hấp nhân tạo kịp thời, có thể bệnh nhân sẽ chết trước khi đến được bệnh viện.
- Nếu bệnh nhân bị hoại tử tại vết cắn: rửa sạch bằng nước muối sinh lý, dùng gạc sạch đậy lên, băng lại, rồi chuyển đi bệnh viện.
- Đưa nạn nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, cần đưa đến bệnh viện lớn, nơi có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu, vì huyết thanh kháng nọc rắn nên dùng sớm, tốt nhất trong 4 giờ đầu.Tuy nhiên nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê hay yếu liệt nên đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Có thể mang theo con rắn đã cắn bệnh nhân đến cơ sở y tế để bác sĩ xác định thuốc kháng nọc rắn phù hợp.
- Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24-48 giờ, việc điều trị hiệu quả rất kém hoặc không hiệu quả.
 
Chú ý:
- Không nên băng garo sau khi bị rắn cắn vì: Thứ nhất cột chặt có thể làm máu không đến được vị trí đã bị buộc khiến phần này dễ hoại tử. Thứ hai, khi đến bệnh viện, bác sĩ tháo băng garo ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân vào cơn sốc. Bệnh nhân có thể tử vong lập tức.
- Ngoài ra, bệnh nhân bị rắn cắn tuyệt đối không được đắp đá, chườm lạnh và tuyệt đối không bôi hóa chất, thuốc, lá cây… lên vết cắn.
- Cách tốt nhất sau khi bị rắn cắn là rửa sạch vết thương, băng quấn kín vết thương bình thường để không tạo áp suất và gây bầm tím, hoặc băng nẹp giống như khi gãy chân tay.
- Trong khi vận chuyển nạn nhân đi cấp cứu nên để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.

 

Tác giả bài viết: BS. Lê Quang Mỹ - Khoa Ngoại Thần Kinh
 

 

 

Đăng bởi: Hân Nguyễn

[Trở về]

Các tin khác