Bấm vào hình để xem kích thước thật

NGHẸT MŨI – KHÓ THỞ LÀ DẤU HIỆU CỦA NHIỄM KHUẨN ĐƯỜNG HÔ HẤP

Ngày đăng:  17/01/2010

 
Lượt xem: 9147

Câu hỏi:

 

Cậu hỏi :

Kính thưa Bác sỹ:

         Con tôi năm nay tròn 3 tuổi nặng 13,5 Kg cách đây 4 tháng sức khoẻ của cháu càng ngày càng yếu.Tình trạng bệnh của cháu có triệu chứng khó thở vào ban đêm. Thở vào nghe tiếng rít có lúc như nghẹt mũi không thở được bụng thóp sâu cứ như vậy suốt cả đêm. Qua lá thư này kính chuyển đến các bác sỹ cho tôi một lời khuyên. Dự định cuối tuần nay tôi đưa cháu vào Biện viện Nhi Đồng 2 để điều trị, cho tôi hỏi thời gian điều trị dứt điểm bao nhiêu ngày, các thủ tục như thế nào? Hiện tôi đang ở TP Đà nẵng.

Trân trọng kính chào! và sớm được nhận tin tư vấn của Bác sỹ.

 

Người hỏi: Trần Quang Anh

Trả lời:

Trả lời :

Chào anh,

Cám ơn anh đã viết thư hỏi chúng tôi về vấn đề này vì đây cũng là thắc mắc chung của rất nhiều phụ huynh đưa con đến khám bệnh mỗi ngày tại bệnh viện Nhi Đồng 2.

Nói chung, trẻ em ở lứa tuổi từ 2-5 tuổi là tuổi bắt đầu đi nhà trẻ, mẫu giáo. Đây là cơ hội để trẻ phát triển các mối quan hệ xã hội, tiếp xúc với nhiều người nhưng đó cũng là lúc cơ thể trẻ phải tiếp xúc với nhiều nguồn bệnh khác nhau trong môi trường sống.

Viêm hô hấp trên là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp. Trong giai đoạn cấp tính, niêm mạc mũi bị sung huyết gây nên tình trạng nghẹt mũi (tình trạng này sẽ nặng thêm khi nằm). Nếu hiện tượng viêm nhiễm tái đi tái lại nhiều lần, các tổ chức miễn dịch ở vùng hầu họng sẽ tăng sinh phì đại gây nên hệ quả là amiđan bị to quá phát, VA bị viêm mạn tính và phì đại gây nên tình trạng tắc nghẽn đường thở khi hít vào (có triệu chứng như ngáy khi ngủ).

Amiđan quá phát có thể được phát hiện khi khám họng trực tiếp còn phì đại VA chỉ quan sát được qua nội soi mũi sau. Cắt amiđan hoặc nạo VA chỉ được thực hiện khi tình trạng tắc nghẽn nặng gây biến chứng và do bác sĩ Tai mũi họng chỉ định.

Do đó, phòng ngừa không để bị viêm nhiễm đường hô hấp tái phát là quan trọng nhất. Vậy phòng ngừa ra sao ? Dưới đây xin đề nghị một số biện pháp :

-               Tránh xa các nguồn ô nhiễm (khói bụi ngoài đường, khói thuốc lá trong nhà, lông súc vật …) và những người đang mắc bệnh viêm nhiễm hô hấp.

-               Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

-               Tránh để bị nhiễm lạnh. Đổ mồ hôi nhiều cũng có thể gây nhiễm lạnh khi mồ hôi bốc hơi.

-               Dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ 4 nhóm thực phẩm nhằm củng cố sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật.

Hi vọng các thông tin trên đây giúp ích thêm cho anh. Anh có thể đưa cháu tới khám bệnh tại các phòng khám Tai mũi họng chuyên về nhi để có kế hoạch điều trị cụ thể.

 

Thân ái,

 

Trả lời bởi: Ths.Bs. Bùi Nguyễn Đoan Thư - Khoa Hô Hấp

[Trở về]

Các tin khác