Bấm vào hình để xem kích thước thật

LỢI ÍCH CỦA NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ

Ngày đăng:  06/01/2009

 
Lượt xem: 29519

 

Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên nhưng kinh tế, an toàn và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em.

 

Theo khuyến cáo của UNICEF: Hiện chỉ có chưa đến 1/3 các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ trong 4 tháng đầu. Tỷ lệ trung bình thế giới là khoảng 40%. Tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ở Việt Nam giảm xuống còn khoảng 5% khi trẻ được 4 đến 6 tháng tuổi. Đây là một trong các vùng có tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ thấp nhất và có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ nhỏ.

 

1. Nuôi con bằng sữa mẹ là “ an toàn, lành mạnh và bền vững”:

An toàn:

Góp phần phòng và chống những bệnh lây nhiễm thông thường như tiêu chảy và viêm phổi, đồng thời cũng phòng chống nhiều chứng dị ứng, ví dụ như hen phế quản.

Lành mạnh:

Sữa mẹ bao gồm hầu hết các chất dinh dưỡng cần thiết và với số lượng đúng, sữa mẹ phù hợp nhất đối với những nhu cầu dinh dưỡng mà trẻ nhỏ cần.

Bền vững:

Có bà mẹ (hay người vú nuôi) là có sữa mẹ, do đó trẻ nhỏ không cần một loại thức ăn nào khác.

 

Mặc dù những lợi ích như vậy, nhưng hầu hết các bà mẹ ở Việt Nam đang không theo những lời chỉ dẫn trên. Nguyên nhân chủ yếu là thái độ xã hội, trong đó thiếu sự hỗ trợ của cộng đồng, nhất là người chồng, các bậc ông, bà; và sự bận rộn của phụ nữ bởi nhiều công việc trong ngày, thiếu kiến thức và các bà mẹ không ý thức được vai trò quan trọng sống còn của vấn đề này.

 

2. Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ:

 

Lợi ích cho trẻ:

Sữa mẹ có đủ các chất dinh dưỡng cho trẻ, bao gồm đường, chất béo, đạm, nước với nồng độ cần thiết cho trẻ. Cơ thể của trẻ tiêu hóa nguồn dinh dưỡng từ  sũa mẹ tốt hơn sữa ngoài.

Những kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ nào được nuôi bằng sữa mẹ thì trưởng thành và phát triển tốt hơn, nó giúp trẻ ít tăng cân quá mức cần thiết và do đó giảm nguy cơ béo phì sau này.

Đối với trẻ sanh thiếu tháng, bé nào được nuôi bằng sữa mẹ sẽ phát triển hơn những trẻ được nuôi bằng sữa ngoài.

Trẻ nuôi bằng sữa mẹ có chỉ số thông minh cao hơn, đặc biệt đối với trường hợp trẻ sanh thiếu tháng.

 

Lợi ích cho mẹ:

Việc nuôi con bằng sữa mẹ giúp bà mẹ tiêu thụ tích cực nguồn năng lượng, do đó dễ dàng duy  trì cân nặng bình thường sau thời kì mang thai. Bên cạnh đó, tử cung cũng dễ co lại đúng kích thước và giảm chảy máu sau sanh.

Cho con bú sữa mẹ còn có tác dụng trì hoãn thời điểm rụng trứng và chu kì kinh nguyệt. Tuy nhiên người mẹ cũng cần trao đổi với bác sĩ về cách ngừa thai mình chọn.

Nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm nguy cơ ung thư vú, ung thư buồng trứng và có thể giúp giảm nguy cơ loãng xương khi đến thời kì mãn kinh.

Nuôi con bằng sữa mẹ làm cuộc sống dễ dàng hơn, người mẹ sẽ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc do không phải tốn tiền mua sữa, không tốn thời gian pha sữa cho con.

Người mẹ có thể cho con bú bất cứ lúc nào trẻ đói, thỏa mãn được nhu cầu của trẻ.

Thời gian cho con bú chính là lúc mẹ và con được nghỉ ngơi, giải trí. Hơn nữa, sự tiếp xúc giữa 2 cơ thể khi người mẹ bồng con để cho trẻ bú giúp trẻ tự tin hơn, có cảm giác an toàn hơn, ấm áp hơn. Cũng vậy, những phụ nữ cho con bú sẽ có cảm giác tự tin hơn và gần gũi với con hơn.

 

 

Lợi ích cho xã hội:

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp tiết kiệm chi phí chăm sóc sức khỏe. Kinh phí cho y tế của một đất nước mà trẻ được bú mẹ hoàn toàn thấp hơn những nước mà trẻ không được bú mẹ hoàn toàn vì phải tốn chi phí cho bệnh tật, thuốc men và bệnh viện.

Nuôi con bằng sữa mẹ góp phần tăng lực lượng lao động. Những bà mẹ cho con bú làm việc ít hơn nhưng con của họ thì ít bệnh hơn. Do đó, chi phí cho y tế cho việc thuê mướn lao động thấp hơn nhưng năng suất lao động cao hơn.

Bên cạnh đó, việc cho con bú sữa mẹ cũng góp phần bảo vệ môi trường sống vì như thế sẽ có ít chai sữa và các vật dụng liên quan đến việc cho con bú ngoài thải ra môi trường hơn.

 

3. Tính đa dạng trong thành phần sữa mẹ:

 

Sữa non:

Sữa mẹ bài tiết trong vài ngày đầu sau đẻ gọi là sữa non. Sữa non màu vàng nhạt, đặc sánh.

Sữa non có nhiều kháng thể, tế bào bạch cầu, bảo vệ cơ thể trẻ chống nhiễm khuẩn và dị ứng.

Sữa non có tác dụng xổ nhẹ giúp cho việc tống phân su, trẻ đỡ vàng da.

Các yếu tố phát triển trong sữa non giúp bộ máy tiêu hóa trưởng thành, chống dị ứng và không dung nạp các thức ăn khác.

Sữa non có nhiều vitamin A giúp trẻ phòng chống nhiễm khuẩn và bệnh khô mắt.

Vì vậy, cần phải cho trẻ bú sớm ngay trong vòng nửa giờ sau đẻ, không dược cho trẻ nhận bất kì một thức ăn hay nước uống nào trước khi trẻ bắt đầu bú mẹ.

 

Sữa trưởng thành:

 

Gồm có sữa đầu và sữa cuối bữa.

Sữa đầu có màu hơi xanh. Trẻ bú sữa đầu sẽ nhận được khối lượng lớn các chất dinh dưỡng và nước. Vì vậy, không cần cho trẻ uống thêm nước hoặc bất kì loại dịch nào trước khi trẻ được 4-6 tháng tuổi và ngay cả khi trời nóng nực.

Sữa cuối được sản xuất ở cuối bữa bú có màu trắng hơn vì chứa nhiều chất béo. Vì vậy, cần cho trẻ bú kiệt một bên vú rồi mới chuyển sang vú khác để trẻ nhận dược chất béo cung cấp nhiều năng lượng cho bữa bú.

 

  1. Sự khác nhau giữa sữa mẹ và sữa bò:

    5.   Những tác hại của việc nuội trẻ bằng sữa nhân tạo:

-          Trẻ dễ mắc tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp cấp.

-          Trẻ dễ bị suy dinh dưỡng.

-          Tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính ở trẻ.

-          Nguy cơ tử vong ở trẻ cao.

-          Giảm sự gắn bó tình cảm mẹ con.

-          Trẻ tăng cân quá mức.

-          Chỉ số thông minh của trẻ thấp.

-          Trẻ dễ bị dị ứng do không dung nạp sữa.

-          Mẹ sớm có thai trở lại.

-          Tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu, ung thư vú và buồng trứng cho mẹ.

 

 

Kết Luận:

 

Bú mẹ hoàn toàn là tiêu chuẩn cao nhất về nuôi trẻ.

Các trường hợp mẹ mất sữa vô cớ là vô cùng hiếm. Nếu được thông tin đầy đủ và sự hỗ trợ thì hầu như tất cả các bà mẹ đều có khả năng có đủ sữa nuôi con.

Việc cho con bú sữa mẹ mang lại rất nhiều lợi ích, ngay cả khi người mẹ chỉ có thể cho con bú trong một thời gian ngắn.

Đăng bởi: BS.CK2. Nguyễn Thị Hạnh Lê - Phó Giám Đốc Bệnh Viện

[Trở về]

Các tin khác