Bấm vào hình để xem kích thước thật

Cung cấp đủ sắt cho trẻ

Ngày đăng:  23/06/2011

 
Lượt xem: 56044

Sắt là  một trong những chất khoáng rất quan trọng đối với cơ thể. Sắt là nguyên liệu để tổng hợp nên hemoglobin, chất có mặt trong tế bào hồng cầu và làm cho hồng cầu có màu đỏ, có vai trò vận chuyển oxy trong máu đến với các mô trong cơ thể. Sắt cũng là thành phần của myoglobin, có trong cơ vân, có tác dụng dự trữ oxy cho hoạt động của cơ vân, chúng sẽ kết hợp với các chất dinh dưỡng khác để giải phóng năng lượng cho sự co cơ. Sắt cũng là thành phần cấu tạo của một số loại protein và enzyme, có vai trò trong quá trình giải phóng năng lượng khi oxy hóa các chất dinh dưỡng và ATP. Nếu thiếu sắt, sự vận chuyển oxy đến các mô cơ thể cũng như sự dự trữ oxy ở mô cơ vân sẽ giảm sút, làm cho cơ thể hoạt động không hiệu quả, mau mệt mỏi, kém tập trung, trí nhớ kém, hay quên… Các triệu chứng thiếu sắt nặng sẽ nằm trong hội chứng thiếu máu thiếu sắt.

Đa số trẻ bị thiếu sắt thường biểu hiện ở hình thức giảm dự trữ sắt trong cơ thể, chỉ một số trường hợp thiếu sắt nặng sẽ trở thành thiếu máu thiếu sắt. Việc phát hiện thiếu sắt sớm , trước khi có biểu hiện thiếu máu thiếu sắt, rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ vì sắt có vai trò quan trọng đối với tất cả tế bào trong cơ thể, trong đó có cả não. Trong những hậu quả của thiếu sắt, ảnh hưởng đến sự phát triển của trí thông minh và hành vi  là hậu quả quan trọng và nguy hiểm nhất. Có trên 40 nghiên cứu của các tác giả trên thế giới ghi nhận nếu thiếu sắt xảy ra trong giai đoạn sớm của cuộc đời, nhất là trong những tháng đầu tiên, sẽ ảnh hưởng đến chỉ số phát triển tâm thần - vận động về sau. Trẻ thiếu sắt càng nhiều và càng lâu thì trí thông minh càng kém, sự phát triển vận động càng chậm chạp. Có một số nghiên cứu cũng cho thấy một số khiếm khuyết trong phát triển nhận thức do thiếu sắt có thể sẽ không hồi phục được với điều trị bổ sung sắt và có thể tồn tại đến 10 năm sau khi đã bổ sung sắt đầy đủ.

Một hậu quả khác của thiếu sắt là nguy cơ hấp thu chì từ đường tiêu hóa sẽ cao, gây ra ngộ độc chì cho cơ thể. Các nghiên cứu lâm sàng và dịch tễ học cho thấy có sự liên quan giữa thiếu sắt và nống độ chì trong máu cao. Môi trường sống của chúng ta bị ô nhiễm chì khá cao, do đó những trẻ có thiếu sắt sẽ là những trẻ có nguy cơ ngộ độc chì cao nhất. Ngộ độc chì là một tổn thương nguy hiểm cho hệ tạo máu và hệ thần kinh, cũng gây ra những hậu quả không hồi phục.

Đối tượng thường bị thiếu máu thiếu sắt thường gặp nhất là phụ nữ, nhất là phụ nữ có thai và trẻ em. Nguyên nhân gây bệnh là do cung cấp thiếu, cơ thể hấp thu sắt kém, hay bị mất nhiều (nhiễm giun sán, xuất huyết đường tiêu hóa do viêm nhiễm hay dị ứng, mất qua kinh nguyệt…) hoặc nhu cầu của cơ thể quá cao trong một số giai đoạn tăng trưởng nhanh và hồi phục sau khi bệnh.

Chế độ ăn của trẻ em Việt nam hay bị thiếu sắt, do đó tỉ lệ trẻ bị thiếu máu thiếu sắt khá cao, nhất là ở những vùng kinh tế và điều kiện vệ sinh còn kém. Sinh non và nhẹ cân cũng là nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt ở trẻ sơ sinh.  Trẻ 1-3 tuổi là lứa tuổi có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt cao, do nhu cầu dành cho tăng trưởng cao trong khi chế độ ăn không cung cấp đủ lượng sắt cần thiết nếu không được chú ý. Nguồn sắt từ thức ăn động vật như thịt nạc, gan có hàm lượng khá cao và dễ hấp thu, do đó rất cần thiết đối với trẻ nhỏ. Sắt trong thức ăn thực vật thường có hàm lượng thấp hơn và khả năng hấp thu cũng kém hơn thức ăn động vật. Vì vậy, trong khẩu phần ăn của trẻ nên có đạm động vật và phải cho trẻ ăn dặm đúng thời điểm và chế biến đúng cách. Các thức ăn giàu sắt bao gồm thức ăn động vật như gan heo, gan gà, gan bò, các loại thịt màu đỏ (thịt bò, heo…), các loại rau có lá xanh sậm (dền, mồng tơi, rau muống…), các loại sữa bột, bột ăn dặm và ngũ cốc có bổ sung sắt.

 

GAN ĐỘNG VẬT

Sắt được hấp thu ở phần đầu ruột non (tá tràng và hỗng tràng), tỉ lệ hấp thu khác nhau tùy theo nhu cầu của cơ thể và sự có mặt của các chất khác trong khẩu phần ăn. Khi tăng acid dạ dày sẽ làm tăng hấp thu sắt: vitamin c, các acid hữu cơ khác, đạm dông vật. Sắt sẽ hấp thu kém hơn nếu giảm acid dạ dày, chế độ ăn nhiều xơ, nhiều canxi, nhiều phosphor, phytat, oxalate và polyphenols. Sắt trong sữa mẹ được hấp thu đến 50% trong khi sắt trong sữa bò tươi chỉ được hấp thu khoảng  10%, do đó những trẻ dùng quá nhiều sữa bò tươi mà không ăn đủ thức ăn giàu sắt sẽ có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt cao, và là một trong những lý do không nên sử dụng sữa bò tươi cho trẻ dưới 1 tuổi. Khi có thiếu máu thiếu sắt, ngoài việc bổ sung thức ăn giàu sắt, có thể trẻ phải được dùng thêm chế phẩm dược có chứa sắt. Để thuốc hấp thu tốt, nên cho trẻ dùng chung với nước cam, chanh do vitamin C làm tăng hấp thu sắt. Khi uống xong nhớ lau răng cho trẻ để tránh làm đổi màu men răng.

Cũng nên nhắc nhở trẻ giữ vệ sinh ăn uống tốt, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, để tránh nhiễm giun sán và tẩy giun định kỳ để tránh thiếu máu thiếu sắt do giun sán.

Hàm lượng sắt trong một số lọai thực phẩm giàu sắt:

Đăng bởi: BSCK2 Nguyễn Thị Thu Hậu-TK Dinh Dưỡng

[Trở về]

Các tin khác