Bấm vào hình để xem kích thước thật

CHĂM SÓC RĂNG MIỆNG ĐỐI VỚI TRẺ BỊ TIM BẨM SINH TÍM

Ngày đăng:  19/02/2009

 
Lượt xem: 11568

 

Việc chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh rất khó khăn,có những nét đặc thù riêng.Đặc biệt là những trẻ bị tim bẩm sinh tím.Tuy nhiên,vấn đề này ít được quan tâm đúng mức.

Một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh tim bẩm sinh là viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.Đối với những trẻ bị tim bẩm sinh tím,nguy cơ bị viêm nội tâm mạc nhiễm trùng cao hơn những trẻ khác rất nhiều,do có dòng máu đi từ nơi có áp suất cao đến nơi có áp suất thấp (hẹp phổi,tứ chứng Fallot) .

 

Một trong những ngõ vào là từ đường răng miệng mà ít người chú ý nhất.Từ đường răng miệng,có thể tạo thành du khuẩn huyết,vi khuẩn bám vào các sùi vô trùng (hình thành tại chỗ nội mạc bị tổn thương do dòng máu xoáy),phát triển tạo thành viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Tác nhân thường gặp từ đường răng miệng là streptococcus .

Biểu hiện thường gặp là

-           Sốt kéo dài trên 8 ngày mà chưa tìm được nguyên nhân chính xác

-           Mệt mỏi, và tổng trạng chung của bệnh nhi giảm sút

-           Thay đổi tiếng tim

-           Lách lớn hay có sang thương da nghi nghờ

-           Sốt lại sau khi ngưng kháng sinh

-           Sốt trong vòng 2 tháng sau khi phẫu thuật tim hay tim mạch can thiệp

Do vậy,việc chăm sóc răng miệng trong bệnh tim bẩm sinh tím là rất cẩn thiết.Chăm sóc răng miệng thế nào là đúng cách?

Sau đây là 1 vài lời khuyên về cách chăm sóc răng miệng đúng cách :

-          Chải răng thật kỹ

-          Chế độ ăn có lượng đường thấp

-          Không nên nhai hay cắn thức ăn rồi đút cho trẻ

-          Không cho trẻ sử dụng chung muỗng, đũa với người bị sâu răng và tránh sử dụng chung bàn chải đánh răng

Trước khi trẻ có răng (6 tháng tuổi), nên cho trẻ uống vài muỗng nước ngay sau khi bú (và ợ). Dùng gạc hay vải ướt quấn quanh ngón tay lau sạch và xoa nắn nướu, lưỡi cho trẻ sau khi cho trẻ bú hay ăn.
Sau khi trẻ có răng, nên cho uống vài muỗng nước ngay sau khi bú hay ăn rồi dùng gạc hoặc vải ướt quấn quanh ngón tay lau sạch răng (đừng quên lau mặt trong của răng) và xoa nắn nướu, lưỡi cho trẻ.

 Trẻ 1 tuổi (có 8 răng cửa), cho dùng bàn chải đánh răng có lông mềm với kích thước nhỏ. Với trẻ dưới 3 tuổi, nên cẩn thận khi sử dụng kem đánh răng trẻ em có chứa fluor. Trẻ hơn 3 tuổi có thể sử dụng kem đánh răng trẻ em chứa fluor, với lượng kem phết lên bàn chải độ bằng hạt đậu. Dùng chỉ nha khoa để làm sạch mặt bên trong.

Cách chải răng: Đặt lông bàn chải hướng về phía đường viền nướu một góc 45 độ so với răng, lắc nhẹ bàn chải. Chải từng nhóm răng, mỗi nhóm độ 2-3 cái, chải ba mặt răng: mặt ngoài ( nhìn thấy khi há miệng), mặt trong (phía dưới) và mặt nhai. Cha mẹ cần tiếp tục chải răng cho trẻ đến 9-10 tuổi, vì trẻ không có kỹ năng tự chải răng một cách hiệu quả trước độ tuổi này.

Thường trẻ không thích kem đánh răng. Nhưng bạn đừng lo lắng, vì chính bàn chải (chứ không phải kem) mới làm sạch được các mảng bám trên răng. Nếu trẻ có thể sử dụng kem đánh răng, cha mẹ phải cẩn thận không cho trẻ nuốt kem. Nên sử dụng một lượng rất ít kem đánh răng (chỉ bằng hạt đậu nhỏ, hay phết một lớp thật mỏng trên bàn chải dành cho trẻ em). Kem đánh răng chứa fluor sẽ làm răng thêm rắn chắc.

Nên cho trẻ đến bác sĩ răng hàm mặt lần đầu tiên khi trẻ được 6 tháng tuổi ; phát hiện các dạng sâu răng đặc biệt do cách cho trẻ ăn (sâu răng do bú bình) và áp dụng kịp thời các biện pháp phòng ngừa sâu răng. Không nên chờ đến khi trẻ có răng sâu hay đau răng mới đến bác sĩ răng hàm mặt.Đối với những trẻ bị tim bẩm sinh tím,thường kèm theo chậm phát triển thể chất,trẻ sẽ phải bú sữa lâu hơn,bú nhiều lần trong ngày hơn,thời gian bắt đầu ăn dặm chậm hơn,do đó việc chăm sóc răng miệng phải được theo dõi chặt chẽ hơn.Mỗi 3 tháng nên cho trẻ khám răng 1 lần,khi đi khám,nên mang theo đầy đủ hồ sơ bệnh tim (theo dõi,điều trị) để các bác sĩ nha khoa nắm rõ bệnh tim nền của bé.Có những trường hợp đặc biệt,bé phải được khám tim mạch trước khi tiến hành các can thiệp răng miệng.

Và một vấn đề hết sức quan trọng là việc phòng viêm nội tâm mạc nhiễm trùng trước khi tiến hành các can thiệp răng miệng như nhổ răng,phẫu thuật quanh răng,cấy răng giả,điều trị tủy răng,đặt dụng cụ chỉnh nha,chích gây tê tại chỗ trong dây chằng hay các can thiệp đơn giản như lấy cao răng.Nguyên tắc là sử dụng dùng kháng sinh kháng streptococcique, trước khi làm thủ thuật 1 giờ để đạt nồng độ diệt khuẩn tối và vào khoảng giờ thứ 2 và lặp lại liều thứ hai ở giờ thứ 6 đối với phẫu thuật nguy cơ cao.Kháng sinh thường được sử dụng là Amoxicillin,nếu dị ứng có thể đổi sang Pristinamicin(đường uống) hay Vancomycin(tiêm tĩnh mạch).

Tóm lại,việc chăm sóc răng miệng đối với trẻ bị tim bẩm sinh tím là rất cần thiết,đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của chuyên khoa tim mạch và nha khoa để tránh những hậu quả đáng tiếc,có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh tim nền của các bệnh nhi này.

Đăng bởi: Bs Nguyễn Trần Quỳnh Như - Khoa Tim Mạch

[Trở về]

Các tin khác