Tắc lệ đạo là gì ?
Ngày đăng: 20/09/2012
Lượt xem: 35572
Lệ đạo là hệ thống đường dẫn nước mắt đi từ vùng hố lệ đến khe mũi dưới. Nước mắt vào lệ đạo qua điểm lệ, chảy trong lệ quản, túi lệ, ống lệ mũi và chảy vào vùng mũi họng qua khe mũi dưới. Tắc lệ đạo bệnh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh (nhất là trẻ thiếu tháng). Khi bị tắc lệ đạo, nước mắt sẽ bị ứ đọng và gây chảy nước mắt nhiều, đôi khi kèm theo mủ và nhầy. Nếu để lâu không điều trị sẽ gây đau nhức, viêm nhiễm tái đi tái lại rất nguy hiểm.
Tắc lệ đạo bẩm sinh thường do các nguyên nhân sau:
Không có điểm lệ: Trẻ sẽ luôn bị chảy nước mắt và viêm kết mạc kéo dài.
Rò túi lệ bẩm sinh: Vùng da gần góc trong của mắt có lỗ rò nhỏ gây chảy nước mắt qua lỗ rò này.
Tắc ống lệ mũi bẩm sinh: Đây là trường hợp thường gặp nhất xảy ra ở khoảng 5% trẻ sơ sinh 12-20 ngày tuổi. Bệnh có thể xảy ra ở một hoặc hai bên mắt, thỉnh thoảng gây ra triệu chứng chảy nước mắt sống, nếu bị thường xuyên và kéo dài có thể tạo ra mủ nhầy, viêm kết mạc mắt, sưng túi lệ.
Nguyên nhân của tắc ống lệ mũi bẩm sinh còn do quá trình hình thành lệ đạo trong bào thai chưa hoàn chỉnh nên ở đầu dưới của ống lệ mũi còn lại màng tắc, trong một số trường hợp khác thì lại do biến dạng ống xương của ống lệ mũi.
Khi tắc lệ đạo, vùng góc trong mắt có thể nề nhẹ, căng hơn. Nếu quá trình tắc kéo dài, đặc biệt là tắc ở ống lệ mũi nếu không được điều trị có thể gây ra viêm túi lệ mạn tính. Nước mắt bị ứ đọng tại túi lệ có thể gây ra nhiễm trùng tại đường lệ, túi lệ bị viêm, có nhầy mủ. Ấn vào vùng này có nhầy mủ trào ra ở khóe mắt, gây áp xe tại túi lệ, thậm chí gây dò, thoát mủ ra ngoài da, đau nhức nhiều, vùng góc trong mắt sưng nề, tấy đỏ.
Điều trị theo nguyên nhân và độ tuổi
Nếu nguyên nhân do không có điểm lệ do màng ngăn ở điểm lệ thì có thể rạch làm thông lệ đạo.
Nếu nguyên nhân do rò túi lệ thì điều trị bằng cách phẫu thuật đóng lỗ dò.
Nếu nguyên nhân do tắc ống lệ mũi bẩm sinh thì tùy theo độ tuổi các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp.
Đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi, việc điều trị chủ yếu là mát-xa túi lệ, lau mí với nước muối sinh lý, nếu như có nhầy mủ thì dùng thêm kháng sinh nhỏ mắt theo chỉ định của bác sĩ.
Đối với trẻ 3 - 12 tháng, điều trị bằng cách bơm rửa lệ đạo, kết hợp kháng sinh tại chỗ và thông lệ đạo. Tuy nhiên, việc thông lệ đạo chỉ được thực hiện sau khi bơm rửa day nắn vùng túi lệ và sử dụng kháng sinh không hiệu quả.
Đối với trẻ trên 1 tuổi, phương pháp bơm thông lệ đạo thường không hiệu quả nên cần cho trẻ đi khám để đánh giá việc phẫu thuật nối thông túi lệ mũi.
Đối với trẻ sơ sinh khi phát hiện thấy trẻ bị chảy nước mắt sống hoặc thường thấy đọng nước ở khe mi cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay để các bác sỹ xác định chính xác nguyên nhân chảy nước mắt, loại trừ các nguyên nhân khác như glôcôm bẩm sinh, viêm trong mắt và có biện pháp điều trị phù hợp.
Đăng bởi: Khoa Hồi sức
Các tin khác
Hưởng ứng Ngày thị giác thế giới 07/10/2024
Nên làm gì để phòng ngừa sâu răng 22/06/2019
Nhận biết điếc ở trẻ nhỏ 15/07/2018
Hiểu về viêm Amygdal 01/03/2018
Một số thực phẩm tốt cho răng 04/03/2017
Làm cho trẻ vui khi đánh răng ! 24/11/2016