Ngộ độc Chloramine B
Ngày đăng: 11/07/2012
Lượt xem: 14172
Ngày 28/6/2012 vừa qua, khoa Nội tổng hợp BV Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận bé Lê Thị Thanh T., 2 tháng tuổi, nhập viện vì ngộ độc Chloramin B.
Được biết, sau khi chích ngừa ở trạm y tế phường, em được phát một bịch gồm 2 gói thuốc hạ sốt và 3 gói Chloramin B để vệ sinh nhà. Về nhà, mẹ định lấy thuốc hạ sốt cho em uống (dù không sốt) nhưng lại lấy nhầm…Chloramin B; Ngay sau uống, em bị nôn ói và có biểu hiện tím tái nên được đưa đến bệnh viện.
Hiện tại tình trạng bé đã ổn định nhưng qua trường hợp này, các bậc cha mẹ cần rút ra những bài học sâu sắc khi chăm sóc con trẻ.
Chloramin B với thành phần hóa học chính là sodium benzensulfochloramin (Sodium N-chlorobenzenesulfonamide), trong đó chlorine hoạt tính chiếm 25 - 27%. Đây là một hóa chất đã được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo dùng trong lĩnh vực khử khuẩn và diệt khuẩn trong bệnh viện cũng như trong cộng đồng. Từ khi tình hình bệnh tay - chân - miệng diễn biến phức tạp, Cục Y tế dự phòng cũng như các trung tâm y tế dự phòng đã có hướng dẫn sử dụng chloramin B như là một hóa chất có tác dụng khử khuẩn bề mặt nhằm hạn chế việc lây lan mầm bệnh qua đường tiếp xúc. Lợi ích là thế nhưng trong thời gian qua có không ít trường hợp ngộ độc Chloramin B; Nguyên nhân thường gặp là do pha chế không đúng nồng độ, do sơ ý uống nhầm, ăn nhầm hoặc bôi nhầm… Nhiều người rất sai lầm khi cho rằng pha Cloramin B nhiều cũng được, ít cũng không sao hoặc pha với nồng độ càng cao thì khi khử trùng, virus càng nhanh chết. Trên thực tế, pha không đúng tỉ lệ với nồng độ vượt quá 2% có thể gây ngộ độc với các biểu hiện: kích thích la hét, hung dữ; kích thích da, nổi mẩn đỏ; nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy; chảy nước mắt; ho, khó thở, khò khè, có khi gây phù phổi, …
Cách xử trí khi bị ngộ độc do tiếp xúc với chloramin tại nhà:
- Khi nuốt phải nên cho uống ngay với một ít nước ấm. Không nên cố gắng gây nôn.
- Khi hít phải không khí có chứa clo phải đưa ngay người bị thương ra khỏi vùng không khí ô nhiễm và nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
- Khi bị bắn vào mắt, phải được rửa sạch ngay bằng nước sạch nhiều lần và chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất.
- Khi bị bắn vào quần áo hoặc dính trên da: cởi bỏ ngay quần áo bị bắn và rửa da vùng đó bằng nước ấm và xà phòng.
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc cho trẻ:
- Cho trẻ uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý cho trẻ dùng thuốc.
- Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng.
- Nên bảo quản thuốc trong tủ, kệ, xa tầm tay trẻ em.
- Không để chung thuốc uống với những thuốc khử khuẩn, dùng ngoài.
Đăng bởi: BS.Nguyễn Thị Minh - Khoa Nội TH
Các tin khác
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 12/2024 04/12/2024