Bấm vào hình để xem kích thước thật

Chuẩn bị cho mùa thi

Ngày đăng:  26/05/2009

 
Lượt xem: 8874

 

Mùa thi đang đến, các vị phụ huynh cũng như các em đều cố gắng để đạt được những kết quả tốt nhất. Điều này đòi hỏi phải có một chế độ học tập, ăn uống , nghỉ ngơi và chuẩn bị tâm lý thật hợp lý.

Từ việc học, khả năng tập trung, trí nhớ, đến sự nhận thức đều chịu ảnh hưởng của thực phẩm. Vì thế tuy cùng là thức ăn hàng ngày nhưng nếu biết chọn lọc và cân bằng lượng thực phẩm thì sẽ có tác dụng tốt lên hoạt động của trí não.

 

Não tiêu thụ rất nhiều năng lượng, và “nhiên liệu” chính của não chính là đường, chất không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày. Đường gồm có đường chậm (tức phải có sự biến dưỡng trong cơ thể các thực phẩm ấy mới chuyển hóa thành đường như cơm, bánh mì, khoai củ...) và đường nhanh (đường tinh chế). Đường chậm sẽ cung cấp glucid cho não một cách đều đặn với hàm lượng cố định đảm bảo nâng cao việc động não. Trước khi trải qua các kỳ thi hay khi làm việc phải động não nhiều, nên dùng một loại sản phẩm chứa đường như bột ngũ cốc, nước trái cây hoặc trái cây khô.

Tuy nhiên hãy nhớ cân bằng dinh dưỡng bằng cách sử dụng thêm trong thực phẩm các nhóm thức ăn cung cấp protein giúp tạo ra hormon, các chất béo, một thành phần cần thiết cấu tạo nên màng tế bào.

Cần chú ý bổ sung vào thực phẩm nguồn khoáng vi lượng để khỏi thiếu hụt cho cơ thể vì đó là những chất cần thiết cho các chức năng của cơ thể hoạt động nhất là não bộ. Sắt giúp cho trí nhớ để dễ dàng trong việc học cũng như nhận thức. Do đó không nên để thiếu sắt trong mùa ôn thi. Sắt có nhiều trong thịt. Iod giữ vai trò trong việc gia tăng sự nhận thức. Iode có nhiều trong tảo biển, cá, tôm cua sò ốc, đậu nành, các loại đậu xanh và các sản phẩm từ sữa.

Trong số các nhóm vitamin thì vitamin nhóm B đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng trí tuệ. Đặc biệt vitamin B9 (acid folic) giúp tránh được sự mệt mỏi trí tuệ. Viamin B9 có nhiều trong các loại hạt, rau xà lách xoong, lòng đỏ trứng. Viamin B1 giúp gia tăng sự tập trung. B1 có nhiều trong ngũ cốc và rau củ.

Tế bào não rất dễ nhạy cảm, dễ bị tổn thương khi cơ thể mất nước. Mất nước sẽ kéo theo sự giảm sút các khả năng thể lực và làm suy giảm họat động của trí tuệ nhất là năng lực tập trung. Vì vậy mỗi ngày phải uống tối thiểu 1,5 lít nước ngay cả khi không khát.

Cần ngủ 8 giờ/ngày, ăn các loại rau quả giàu vitamin C. Ngoài ra các hoạt động thể dục để giúp não khỏi bị bão hòa, giải thoát trí óc bớt căng thẳng, chống stress, thư giãn sẽ giúp gia tăng trí nhớ và sự tập trung.

Cần ăn đủ 3 bữa ăn chính với thành phần thực phẩm cân đối, nhưng không nên xáo trộn bữa ăn thường ngày quá nhiều. Nên dùng thêm các bữa ăn phụ để giúp não và cơ thể luôn được cung cấp chất dinh dưỡng đều đặn. Tránh lạm dụng các chất kích thích thần kinh như trà, cà phê đậm đặc, thuốc lá, rượu bia…

Trước kỳ thi sức ép từ phía gia đình luôn đè nặng lên các thí sinh, buộc các em căng ra. Trong kỳ thi cũng do áp lực mà các thí sinh hay xảy ra stress. Theo các chuyên gia tâm lý học, trước kỳ thi sức ép là điều hay xảy ra ở đa số thí sinh, tùy theo mức độ nặng nhẹ. Áp lực này sẽ khiến các em rơi vào tình trạng quá lo lắng, sợ hãi, mất ngủ, hốt hoảng, tâm lý rối loạn, thậm chí phát điên. Vì vậy các em cần được chuẩn bị tốt về mặt tâm lý, đó chính là vững vàng tâm lý cũng như sự sẵn sàng, tạo ra một tâm thế tốt nhất. Điều này chính phụ huynh đóng vai trò trực tiếp nhất. Nếu như cha mẹ luôn quan tâm, giúp đỡ các em, động viên một cách kịp thời thì bảo đảm sự vững vàng, tự tin. Không nên lúc nào cũng phải rao giảng những bài học về đậu hay không đậu, không nhắc nhiều về chuyện thi cử, mà tạo cho các em một bầu không khí tâm lý vui vẻ trong gia đình, cũng đừng tỏ vẻ quan tâm quá nhiều đến thi cử. Có thể dành một thời gian nhất định cho các em đi thư giãn cùng gia đình, điều đó cũng làm thay đổi trạng thái tâm lý từ căng thẳng đến ổn định

Những ngày gần sát kì thi, các em nên tạo tâm lý vui vẻ, thoải mái vì nếu tâm lý tiêu cực sẽ rất ảnh hưởng đến trí nhớ. Thí sinh không nên ôm đồm bài vở quá nhiều mà chỉ nên học trọng tâm nếu không trí nhớ sẽ rơi vào tình trạng quá tải. Khi vào phòng thi, trước khi đọc đề làm bài, các em nên dành khoảng 2 phút thư giãn bằng cách thả lỏng cơ thể, nhắm mắt, rồi hít thở thật sâu sẽ giúp các em cân bằng tâm lý và tránh bị mất bình tĩnh.

 Số các em từ môn đầu tiên làm không tốt thường chán nản, giảm sút ý chí, hoặc có trường hợp "bắt buộc làm tốt môn tiếp theo để vớt vát vì môn đầu sai quá nhiều ", điều này cũng tạo ra stress. Lại có trường hợp môn đầu tiên làm không tốt nhưng sợ ba mẹ nên không dám nói thật, tạo cho chính bản thân một sức nặng, một tâm lý lo lắng phải vượt qua thì các em lại càng khủng hoảng thêm.

Sau mỗi môn thi phụ huynh có thể mua chút đồ ăn các em thích nhất, hoặc có thể kể một câu chuyện hài hước để các em cảm thấy thoải mái, tự tin, phải nhanh chóng là người hỗ trợ tinh thần, dùng biện pháp trấn an tâm lý sau mỗi môn thi nếu các em làm bài chưa tốt.

Như vậy, để giúp các em có một kỳ thi đạt kết quả tốt, cần có chế độ học tập,dinh dưỡng, thư giãn, tập luyện hợp lý và chuẩn bị tâm lý vững vàng. Cần chuẩn bị kiến thức và sức khỏe từ trước, chứ đừng đợi đến lúc thi mới học dồn, hiệu quả sẽ không cao. Vai trò của gia đình rất quan trọng giúp các em có một tâm lý ổn định, tự tin, thoải mái để vượt qua những kỳ thi với kết quả cao nhất!

Đăng bởi: BS.CK2.Nguyễn Thị Thu Hậu - TK.Dinh Dưỡng (Sưu tầm và biên soạn)

[Trở về]

Các tin khác