Hạch hoại tử vùng cổ?
Ngày đăng: 10/06/2011
Lượt xem: 64515
Câu hỏi:
Con gái tôi hồi 2,5 tháng bé bị bệnh nặng, nổi hạch nhiều vùng cổ, sao đó bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiến hành mổ lấy hạch sinh thiết, kết quả không phát hiện bệnh, sau đó có tiến hành chọc tuỷ( vị trí ngay hông) kết quả cũng bình thường, cuối cùng là bé có ổ mủ trong phổi nên nổi hạch bạch huyết , các bs đã tiến hành truyền thuốc kháng sinh cho bé, sau đó khi gần xuất viện bé có một hạch sưng to, mưng mủ, các bác sĩ đã chỉ định cho bé rạch hạch. Tôi có hỏi còn những hạch nhỏ còn xót lại thì xử lí như thế nào? Các bác sĩ bảo nếu lên hạch nào thì rạch tiếp.
11 tháng trôi qua, giờ bé được 18 tháng , bé lại lên 1 hạch ngay vết rạch cũ sau đó bị vỡ ra , tôi có đưa bé lên bệnh viện Nhi đồng 1 khám, bác sĩ khoa ngoại bảo không có gì, hạch đó bị hoại tử, nên giờ chỉ cần rửa vết thương. Tôi có hỏi có cần làm phẫu thuật để bốc tách hạch bị hoại tử ra không ? bác sĩ bảo không cần, cứ rửa sạch vết thương, sau đó từ từ sẽ khỏi, thời gian khoảng 1 tháng thì lành.
Vậy xin các bác sĩ giải thích giúp:
Hạch bị hoại tử là như thế nào? Cách xử lý ra sao? Có cần làm các xét nghiệm gì không? Có ảnh hưởng đến sau này không?
Xin chân thành cám ơn
Trả lời:
Chị Ngân thân mến,
Qua mô tả của chị chúng tôi cho rằng bé nhập viện trong tình trạng có hiện tượng nhiễm trùng và có nổi hạch bạch huyết phản ứng. Hạch bạch huyết là những hạch của cơ thể có nhiệm vụ bảo vệ, tăng cường hệ thống miễn dịch của bé chống lại các tác nhân xâm nhập (vi trùng,siêu vi, vi sinh vật). Hạch bạch huyết bình thường có kích thước nhỏ từ vài milimét đến khoảng 2cm, thường không đau, không nhạy cảm khi sờ. Trong trường hợp cơ thể bị nhiễm siêu vi, nhiễm trùng cấp (biểu hiện bằng các bệnh viêm hô hấp trên, viêm họng, nhiễm trùng da....), các hạch bạch huyết sẽ phản ứng lại bằng hiện tượng viêm sưng, nóng, đỏ, đau nhưng sau khi điều trị các bệnh lý trên, các hạch sẽ nhỏ lại, hết đau. Đôi khi có trường hợp hạch sưng to và tụ mủ, lúc đó trẻ cần dược rạch thoát mủ và điều trị với kháng sinh thích hợp, khoảng 7-10 ngày sẽ khỏi bệnh và không để lại di chứng gì. Có những trường hợp bé bị viêm nhiễm nhiều lần thì 1 số hạch sẽ không nhỏ lại được nữa mà trở thành hạch viêm mãn. Lúc đó, dù bé không ho, không sốt gì thì ba mẹ vẫn sờ thấy các hạch này như chị đã mô tả. Những trường hợp này nếu hạch không quá to (thông thường dưới 2cm) thì không cần điều trị gì đặc hiệu, nếu hạch to hơn thì sẽ có chỉ định cắt hạch này thử giải phẫu bệnh xem có vấn đề gì không. Do đó, trường hợp con chị nếu hạch đã vỡ thì chỉ cần chăm sóc tại chỗ lấy hết mô hoại tử thì hạch sẽ lành lại, chị không nên quá lo lắng. Trường hợp hạch quá lâu không lành (thường trên 3 tuần) thì chị nên đưa bé tái khám lại tại bệnh viện (phòng khám ngoại) để được nhân viên y tế khám và tư vấn kĩ hơn.
Thân mến
Trả lời bởi: BS Trương Anh Mậu, khoa ngoại NĐ 2
Các tin khác
Gãy xương lồi cầu ngòa 14/05/2016
Phẫu thuật lõm ngực 12/05/2016
Nhọt tụ mủ vùng da đầu 11/05/2016
Rốn lồi và khối phồng ở bẹn ở trẻ 2 tháng 09/05/2015
Bé 5 tháng tia tiểu nhỏ hơn lúc trước 07/05/2015
Tinh hoàn ẩn 2 bên ở trẻ 8 tháng 04/05/2015