Dị Vật Thực Quản Ở Trẻ Em: Nguy Hiểm Có Thể Phòng Tránh
Ngày đăng: 13/09/2024
Lượt xem: 1298
Khi trẻ em ăn uống hoặc chơi đùa, những tai nạn không mong muốn như hóc xương hoặc nuốt phải dị vật có thể xảy ra. Dị vật mắc kẹt trong thực quản có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời. Tuy nhiên, với sự quan tâm và giám sát từ phụ huynh, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh và xử lý các tình huống này một cách an toàn.
Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện nội soi cấp cứu gắp dị vật xương gà thành công ở thực quản
Theo thông tin từ Theo BSCKII Nguyễn Thị Thu Thủy- Phó trưởng khoa Tiêu hóa, ngày 06/09/2024, bé N S, 10 tuổi nhập viện vì đau vùng cổ, nhợn ói nuốt đau. Bé cho biết tối hôm trước ăn cơm gà có hóc xương.
Bệnh nhân nhanh chóng được thực hiện chụp X-Quang và siêu âm vùng cổ, xác định dị vật nằm trong lòng thực quản. Ekip nội soi khoa Tiêu hóa gồm Bs Võ Hoàng Khoa và Điều dưỡng Võ Thị Hồng Phụng đã nhanh chóng thực hiện nội soi thực quản dạ dày tá tràng cho bệnh nhân. Kết quả nội soi ghi nhận có mảnh xương dài 2cm, đầu nhọn ghim vào thành dạ dày gây viêm loét và xung huyết. Các bác sĩ đã thực hiện gắp dị vật thành công dưới nội soi, đánh giá và kiểm tra kỹ vùng thương tổn.
Sau phẫu thuật nội soi, hiện bệnh nhân đã hết triệu chứng nôn ói, đau vùng cổ và bắt đầu uống sữa ăn cháo loãng, tiến triển phục hồi rất khả quan.
BS Thủy thông tin thêm dị vật đường tiêu hóa là một cấp cứu rất thường gặp ở trẻ em. Hàng năm, khoa Tiêu hóa có khoảng 250 trẻ từ 3- 6 tuổi nhập viện vì dị vật tiêu hóa. Các loại dị vật đa dạng: xương, pin, đồng xu, vỉ thuốc, đồ chơi…Trong số đó, có khoảng 30 % các bệnh nhân cần nội soi cấp cứu, và 10% cần phẫu thuật vì các biến chứng như thủng, tắc ruột. Để dự phòng dị vật tiêu hóa, phụ huynh và người chăm sóc cần lưu ý khi cho trẻ ăn cần lọc kỹ xương, ăn chậm, nhai kỹ, không cười đùa trong lúc ăn để tránh hóc xương. Ngoài ra, không để trẻ chơi cùng đồ vật nguy hiểm như pin, nam châm...quan sát trẻ khi chơi, để những vật dụng sắc nhọn xa tầm tay của trẻ.
Theo TS Phạm Ngọc Thạch, PGĐ BV Nhi đồng 2, bệnh viện Nhi đồng 2 năm vừa rồi có tiếp nhận khoảng 5 ca thủng thực quản rất nghiêm trọng gây viêm trung thất, dò khí thực quản. Nguyên nhân mắc xương là một trong những nguyên nhân gây biến chứng nặng nề này. Ngay khi bé hóc xương, mảnh xương ghim vào thành thực quản, triệu chứng ban đầu có thể không quá trầm trọng và chúng ta có thể bỏ qua. Thương tổn sẽ tiến triển, gây áp xe vùng thành thực quản, vỡ tràn mủ vào trung thất gây viêm toàn bộ trung thất sẽ rất khủng khiếp và nặng nề. Một trong những điểm nhấn về điều trị củ Khoa hồi sức và khoa tiêu hóa bệnh viện Nhi đồng 2 năm vừa rồi là cứu sống ngoạn mục một trường hợp mắc xương lươn, bé hóc xương sau ăn cháo qua qua nhiều ngày đến bệnh viện trễ trong bệnh cảnh cấp cứu áp xe trung thất phải nằm điều trị hồi sức tích cực khá lâu. Do vậy cần lưu ý những triệu chứng này ở trẻ khi nghi ngờ mắc dị vật họng và thực quản: trẻ đau họng, nuốt đau, nhợn ói khó thở hoặc thở khò khè, bên cạnh đó nếu bé chảy nhiều nước bọt bất thường kèm theo đau khó chịu vùng cổ ngực. Ngay khi có những triệu chứng này ở trẻ cần đem bé đến khám ở các cơ sở y tế. Không nên ép trẻ ăn hoặc uống nhằm trôi dị vật, điều này có thể gây tắc nghẽn hoặc làm dị vật di chuyển ( Ví dụ nuốt cơm hoặc uống nước) hặc không chờ đợi lâu nếu nghi ngờ dị vật bị kẹt vì thời gian trì hoãn có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc biến chứng.
Đăng bởi: BS.CK1.Phan Nguyễn Ngọc Tú
Các tin khác
Chương trình Giao lưu trực tuyến, chủ đề: “Trẻ sinh non và những lưu ý trong quá trình chăm sóc” 12/11/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 11/2024 06/11/2024