Nang niệu quản (túi sa niệu quản) bẩm sinh: phát hiện sớm, tránh biến chứng!
Ngày đăng: 15/06/2019
Lượt xem: 13406
Nang niệu quản nếu không được phát hiện và điều trị về lâu dài sẽ gây ra các biến chứng trên thận và hệ niệu như nhiễm trùng tiết niệu tái phát, sỏi niệu quản, sẹo xơ thận dẫn đến suy giảm chức năng thận.
Vừa qua bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận một trường hợp bé trai, 16 tháng tuổi, nhập viện vì sốt cao, kèm theo tình trạng tiểu khó, tiểu rặn. Tiền sử bé cũng có nhiều lần tiểu rặn tương tự, nhưng chưa vào bệnh viện thăm khám. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm cho thấy bé đang bị nhiễm trùng từ đường tiết niệu. Trên siêu âm hệ tiết niệu phát hiện đoạn cuối niệu quản phải giãn lớn thành nang sa vào lòng bàng quang. Trong lòng nang có dịch lợn cợn, biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng. Khảo sát thận phải ghi nhận bệnh lý thận niệu quản đôi bẩm sinh, với cực trên thận phải và toàn bộ niệu quản cực trên giãn lớn, thông với nang niệu quản phía dưới.
Bệnh nhi ngay lập tức được tiêm kháng sinh đường tĩnh mạch để khống chế nhiễm trùng, tránh vi trùng từ đường tiết niệu thâm nhập vào máu, dẫn đến nhiễm trùng toàn thân.
Khi tình trạng bệnh nhi ổn định, hết sốt, nhiễm trùng được khống chế. Bệnh nhi được thực hiện tiếp các xét nghiệm khảo sát dị tật bẩm sinh đường tiết niệu (như chụp hệ niệu cản quang, chụp xạ hình thận) để đưa ra phương án điều trị phù hợp.
Nang niệu quản (Ureterocele) trên bệnh nhi này là một bất thường bẩm sinh của niệu quản. Biểu hiện là tình trạng giãn lớn thành nang của đoạn niệu quản cắm vào bàng quang (đoạn niệu quản đi trong thành bàng quang). Nguyên nhân là do miệng niệu quản bị hẹp, lâu ngày làm nước tiểu ứ đọng gây giãn đoạn cuối niệu quản thành nang, thường kèm theo giãn toàn bộ niệu quản và bể thận ở phía trên.
Nang niệu quản hầu hết thường đi kèm với bất thường bẩm sinh là thận – niệu quản đôi. Nang niệu quản trên thận bình thường ít gặp, chỉ chiếm khoảng 20% các trường hợp.
Theo TS.BS. PHẠM NGỌC THẠCH phó giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 2, nang niệu quản nếu không được phát hiện và điều trị về lâu dài sẽ gây ra các biến chứng trên thận và hệ niệu như nhiễm trùng tiết niệu tái phát, sỏi niệu quản, sẹo xơ thận dẫn đến suy giảm chức năng thận.
Do bệnh nhi còn nhỏ tuổi, nhiễm trùng đường tiết niệu mới xuất hiện lần đầu, nên phương pháp điều trị hiệu quả, nhẹ nhàng và ít xấm lấn nhất cho bệnh nhi là xẻ nang niệu quản qua nội soi niệu đạo bàng quang. Việc xẻ nang trong bàng quang sẽ tái lập sự thông thương giữa niệu quản và bàng quang, thoát nước tiểu nhiễm trùng, đồng thời nước tiểu mới cũng sẽ đi xuống bàng quang qua cửa ngõ mới này. Nếu qua theo dõi lâu dài, không có tình trạng nước tiểu trong bàng quang bị trào ngược lên niệu quản - thận thì bệnh nhi thậm chí sẽ không cần can thiệp phẫu thuật gì thêm. Ngược lại, bệnh nhi sẽ được phẫu thuật cắt nang niệu quản và cắm lại niệu quản vào bàng quang khi lớn hơn.
Bệnh nhi được gây mê và tiến hành đưa ống nội soi từ lỗ tiểu vào bàng quang. Bàng quang được bơm căng với nước muối sinh lý. Sau khi xác định vị trí nang niệu quản trong lòng bàng quang, một kim luồn nhỏ được đưa qua da trên xương mu vào trong lòng bàng quang. Thông qua kim luồn, một kẹp nhỏ được đưa vào bàng quang để giữ cố định thành trước nang niệu quản, sau đó dùng dao nhỏ từ ống soi niệu đạo xẻ nhiều lỗ trên thành trước nang, tạo sự thông thương giữa lòng niệu quản và bàng quang.
hình ảnh nội soi bàng quang xẻ nang niệu quản tại BV Nhi Đồng 2
Phương pháp mới này có nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp truyền thống (chỉ sử dụng dao nhỏ từ ống soi niệu đạo xẻ trực tiếp vào nang không có dụng cụ kẹp nang hỗ trợ) là thành trước nang luôn được giữ căng, cố định, tách rời với thành sau của nang. Việc này giúp xẻ được chính xác vào các vị trí mong muốn trên thành nang, tránh xẻ vào các mạch máu, tránh tổn thương thành sau của nang.
Sau khi thực hiện xong, bệnh nhi sẽ được đặt lưu thông tiểu để theo dõi. Nếu tình trạng bệnh nhi ổn định có thể được xuất viện sau vài ngày.
Video phẫu thuật: https://youtu.be/NjH1g21bt4c
nguồn: BS NGUYỄN ĐÌNH THÁI ( khoa Niệu BV Nhi Đồng 2)
Đăng bởi: BS Nguyễn Hiền
Các tin khác
Cảnh giác chấn thương thận kín ở trẻ em 12/07/2023
Tắc ruột vì 14/01/2021