Không bao giờ bỏ cuộc
Ngày đăng: 01/03/2019
Lượt xem: 4083
Bé gái bị vật cứng văng trúng đầu, vỡ xương sọ não. Các bác sĩ phải thức xuyên đêm để phẫu thuật với quyết tâm hồi sinh lại cho bé.
Có lần trong ca trực, chúng tôi tiếp nhận một bé gái chưa đầy 3 tháng tuổi được các đồng nghiệp tuyến dưới chuyển lên với tình trạng hôn mê, sốc mất máu, da đầu sưng phồng. Đây là một tai nạn hy hữu đã xảy ra với bé bởi chiếc điện thoại iphone 6.
Ba mẹ của bé là đôi vợ chồng trẻ từ quê nghèo đến thành phố làm công nhân. Căn phòng trọ của họ được sắp xếp với một tủ vải lắp ghép và một vài đồ dùng sinh hoạt đơn giản. Ngày hôm đó, mẹ cháu cắm sạc điện thoại rồi để trên đầu tủ vải và vô tình để lẫn trong chiếc áo sơ mi của người chồng.
Theo thói quen, anh vươn tay kéo mạnh chiếc áo để khoác lên mình thì chiếc điện thoại cũng văng theo. Thật không may chiếc điện thoại rơi trúng đầu con gái bé bỏng.
Lực kéo mạnh cùng với trọng lượng của chiếc điện thoại đủ làm cho xương sọ vốn mỏng manh của bé gái chưa đầy 3 tháng tuổi bị chấn thương nghiêm trọng. Sau hồi khóc thét, cháu bé lịm dần, cùng da đầu sưng phồng.
Nhận định tình trạng bệnh nhi rất nặng do sốc mất máu cùng các tổn thương thần kinh phức tạp. Tua trực nhanh chóng hội chẩn và xử trí cấp cứu chống sốc cho bệnh nhi.
Hội chẩn ngay tại phòng chụp cắt lớp, với hình ảnh tổn thương não kèm chảy máu tiến triển nặng hơn, bệnh nhi được nhanh chóng chuyển thẳng lên phòng mổ. Xác định tình trạng bệnh nhi nhỏ tuổi, thể tích máu ít, có sốc giảm thể tích do mất máu trước đó, kèm tổn thương não nặng, toàn bộ ekip tập trung để phẫu thuật cho bé.
Sau nhát rạch da đầu tiên, rất nhiều máu tụ kèm nhu mô não tràn ra ngoài. Xương sọ bệnh nhi bị vỡ nhiều mảnh gây rách màng cứng (màng bao bọc não, nằm ngay bên dưới xương sọ) và chảy máu. Phần xương sọ được cắt và lấy ra ngoài để giải phóng chèn ép, màng cứng được cắt rộng để tiếp cận vào vùng não bị tổn thương.
Bên cạnh nguồn chảy máu từ phần mô não bị dập, bệnh nhi còn bị tổn thương phần xoang tĩnh mạch gây chảy máu ồ ạt. Khối lượng máu mất nhanh, thể tích máu bệnh nhi nhỏ, nên ekip gây mê hồi sức không thể truyền máu như bình thường mà phải “bơm máu”. Việc cầm máu rất khó khăn do vị trí chảy máu rất phức tạp và chức năng cầm máu của bệnh nhi bắt đầu rối loạn.
Ngay trong ca mổ, chúng tôi dồn dập hỏi: "Cầm máu được chưa?” - “Chưa được”, “Sinh hiệu ổn không?” - “Huyết áp đang tụt”… Những nỗ lực gần như vô vọng khi bao nhiêu thể tích máu được bù vào đều bị mất qua nhiều vị trí chảy máu ồ ạt.
Nhiều lần dùng dụng cụ chèn để cầm máu tạm trong khi chờ ekip gây mê bơm máu, thoáng lên trong đầu chúng tôi nỗi buồn khi có thể mất bệnh nhi ngay trên bàn mổ, trong một ngày được gọi là lễ tình nhân.
Nhưng những ý nghĩ đó mau chóng bị gạt qua và chúng tôi lại chiến đấu: “Tiếp tục được không?” “Làm đi”! Những khẩu lệnh nhanh, dứt khoát để cập nhật tình hình và cuộc chiến đấu vật vã lại diễn ra.
Những dụng cụ cầm máu liên tục được sử dụng nhưng tình hình vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Bỗng hiện lên trong đầu là câu chuyện của một đồng nghiệp đàn anh nhiều năm về trước khi thầy giáo hỏi “Khi bệnh nhân chảy máu thì phải làm gì?”. Câu hỏi này có rất nhiều phương án được đưa ra và câu trả lời của thầy là “sử dụng bất cứ thứ gì, miễn là máu ngừng chảy, miễn là cứu được bệnh nhân”.
Và một ý nghĩ lóe lên: "Vẫn còn keo cầm máu". Nhưng không có sẵn, chúng tôi hiếm khi phải dùng tới nó… Ngay tức khắc, ekip trực nhanh chóng liên hệ và may mắn, vẫn còn dụng cụ dự trù sẵn trong những trường hợp khẩn cấp như thế này tại khoa.
Keo nhanh chóng được mang tới, sau 4 lần bơm, điểm chảy máu được kiểm soát tương đối. Nhu mô não hồng hào bị thay thế bằng một màu trắng nhợt do thiếu máu nuôi. Có mặt bên cạnh, ekip hồi sức nhận định tình trạng rất nặng, nhưng may mắn sinh hiệu bệnh nhân vẫn còn duy trì được với thuốc vận mạch.
Chúng tôi động viên nhau: “Em cố gắng cầm máu, sinh hiệu còn ổn, anh sẽ hồi sức được”. Câu nói tiếp thêm động lực cho ekip phẫu thuật, chúng tôi quyết định đóng vết mổ vì không thể làm gì thêm. Nếu lúc này chỉ cố gắng cầm máu tuyệt đối gần như không thể và còn đánh mất cơ hội hồi sức cho bệnh nhi.
Mũi khâu cuối cùng được hoàn thành, bệnh nhi nhanh chóng được chuyển qua khoa hồi sức tích cực. Cả ekip đều không còn tươi tỉnh, một phần đã chiến đấu cả ngày và liên tục trong hơn 3 giờ, phần chính là tình trạng bệnh nhi quá nặng khi 2 đồng tử đều dãn sau mổ.
Bàn giao ca bệnh cho các đồng nghiệp hồi sức, chúng tôi gửi gắm: “Bệnh nhi rất nặng, nhưng đừng bỏ cuộc nhé các anh” - “Sinh hiệu còn duy trì được thì tụi anh sẽ hồi sức được”, một đàn anh đáp lại.
Rạng sáng, sau giờ trực phòng khám cấp cứu, kịp ngả lưng được một lúc, rửa mặt và mau chóng hướng về phòng hồi sức. Bé gái 3 tháng tuổi đã có phản xạ tay chân khi bị kích thích đau, sinh hiệu ổn định, thuốc vận mạch cũng đã giảm liều, một dấu hiệu rất tích cực. Biết là còn rất sớm để kết luận điều gì đó, nhưng góc độ nào đó, phép màu đã xuất hiện. Mọi mệt mỏi tan biến thay vào đó là niềm hy vọng.
1 tuần sau ca mổ, cháu được ra khỏi phòng hồi sức và tự thở được. Đôi mắt đã linh hoạt trở lại, đôi môi biết chắp chép bú sữa.
Nguồn: phunuonline.com.vn
Đăng bởi: Hân Nguyễn
Các tin khác
Phòng ngừa sớm bệnh trầm cảm ở trẻ em 30/12/2024
Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục thực hiện thêm ca ghép thận cho bệnh nhi từ người hiến chết não 28/12/2024
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024