Bấm vào hình để xem kích thước thật

6 điều cần biết về tiêm ngừa vắc-xin Quinvaxem phòng bệnh cho trẻ (*)

Ngày đăng:  19/09/2017

 
Lượt xem: 7192

Trẻ sơ sinh có miễn dịch đối với nhiều bệnh vì chúng nhận được kháng thể từ mẹ. Tuy nhiên, thời gian có miễn dịch này chỉ tồn tại từ 1 tháng cho tới 1 năm. Do vậy, việc tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh cho trẻ là vô cùng quan trọng, giúp trẻ tăng sức đề kháng và chống chọi lại bệnh tật. Hiện nay, ở nước ta có 6 bệnh được tiêm ngừa cho trẻ theo lịch chủng ngừa bắt buộc và miễn phí, đó là: lao, bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi. Trong đó, vắc-xin Quinvaxem có thể tiêm ngừa phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib. Sau đây là một số thông tin về vắc-xin quinvaxem mà các bậc phụ huynh cần tìm hiểu để chủ động tiêm ngừa phòng bệnh cho con.

Quinvaxem là vắc-xin gì?

Vắc xin Quinvaxem còn gọi là vắc-xin “5 trong 1”, là vắc-xin phối hợp gồm giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, uốn ván, vi khuẩn ho gà bất hoạt, kháng nguyên vi-rút viêm gan B và kháng nguyên vi khuẩn Haemophilus influenzae type b (Hib).

Những lợi ích và nguy cơ có thể có khi cho con đi tiêm phòng loại vắc-xin này? Tiêm vắc-xin Quinvaxem có thể xảy ra những phản ứng gì?

* Lợi ích sau tiêm:

Vắc-xin Quinvaxem là loại vắc-xin phối hợp phòng ngừa được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não do vi khuẩn Hib. Đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh này, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Sử dụng vắc-xin phối hợp Quinvaxem sẽ giảm số mũi tiêm cho trẻ, tiết kiệm thời gian cho các bà mẹ và gia đình, đồng thời trẻ em có cơ hội phòng ngừa được 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nêu trên.

Hiệu quả phòng bệnh của vắc xin Quinvaxem cũng như tính an toàn của vắc-xin đã được Tổ chức Y tế thế giới xác nhận.

* Những phản ứng có thể xảy ra sau tiêm vắc-xin:

Tuy nhiên, cũng như các thuốc hay loại vắc-xin khác khi tiêm phòng đều có thể xảy ra các phản ứng sau tiêm. Theo khuyên cáo của Tổ chức Y tế thế giới, các phản ứng nặng thường rất hiếm gặp.

Sau tiêm chủng, trẻ có thể có một số các phản ứng thông thường như sốt nhẹ (< 38,50C), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc… Tuy nhiên, các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày.

Một số phản ứng có thể gặp khi sử dụng vắc-xin Quinvaxem cũng giống như sử dụng vắc-xin DPT có thành phần ho gà toàn tế bào như:

+ Khóc thét dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc-xin với tỷ lệ là <1/100 liều sử dụng.

+ Co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc-xin với tỷ lệ là <1/100 liều sử dụng.

+ Giảm trương lực cơ, giảm đáp ứng xảy ra trong vòng 48 giờ với tỷ lệ là 1-2/1 triệu liều.

+ Sốc phản vệ có thể xảy ra với tỷ lệ 20/1 triệu liều.

Kết quả tiêm chủng vắc-xin Quinvaxem tại thành phố Hồ Chí Minh

Theo báo cáo của chương trình Tiêm chủng mở rộng thành phố Hồ Chí Minh, năm 2014, thành phố có hơn 280.000 liều Quinvaxem được tiêm chủng cho trẻ, trong đó ghi nhận 28 trường hợp có phản ứng nhẹ sau tiêm chủng (như sốt, quấy khóc, sưng đau tại chỗ tiêm), chiếm tỷ lệ 0,01% số mũi tiêm và 02 ca có phản ứng cần theo dõi tại bệnh viện. Kết quả đều ổn định, không có trường hợp tử vong hoặc biến chứng nặng.

Năm 2015, thành phố có khoảng hơn 300.000 liều Quinvaxem được tiêm chủng, trong đó có 32 trường hợp phản ứng nhẹ sau tiêm chủng, không có trường hợp nào tử vong có liên quan đến tiêm vắc-xin Quinvaxem.

Năm 2016, thành phố có hơn 270.000 liều Quinvaxem được tiêm chủng cho trẻ, trong đó ghi nhận 28 trường hợp có phản ứng nhẹ sau tiêm chủng (như sốt, quấy khóc, sưng đau tại chỗ tiêm), chiếm tỷ lệ 0,01% số mũi tiêm, không có trường hợp nào tử vong có liên quan đến vắc-xin Quinvaxem.

Lịch tiêm chủng đối với vắc-xin Quinvaxem

Theo lịch tiêm chủng, vắc-xin Quinvaxem được tiêm cho trẻ 3 lần khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi. Nếu trẻ đã 6 tháng tuổi nhưng chưa được tiêm phòng thì cần tiêm phòng sớm cho trẻ 3 mũi vắc-xin Quinvaxem, mỗi mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng.

Để theo dõi lịch tiêm chủng cho trẻ, phụ huynh hãy đến trạm y tế xã/phường để biết ngày tiêm chủng thường xuyên tại trạm và chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng bệnh.

Những trường hợp nào trẻ không tiêm được vắc-xin Quinvaxem

- Không tiêm vắc-xin Quinvaxem cho trẻ nếu tiền sử trẻ có phản ứng mạnh đối với liều tiêm trước hoặc có phản ứng mạnh đối với vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) hoặc vắc-xin viêm gan B như:

+ Sốt 40ºC trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc-xin.

+ Sốc trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc-xin.

+ Khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc-xin.

+ Co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc-xin.

- Không tiêm cho trẻ nhỏ dưới 6 tuần tuổi vì vắc-xin có thể không hiệu quả do còn miễn dịch từ mẹ.

- Hoãn tiêm cho trẻ nếu trẻ đang ốm, sốt hoặc mắc các bệnh cấp tính.

Để đảm bảo an toàn tiêm chủng các bậc cha mẹ cần phải làm gì khi đưa con đi tiêm chủng:

- Mang theo phiếu/sổ tiêm chủng cá nhân.

- Chủ động thông báo cho cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt, tiền sử dị ứng hay phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, sưng đau lan rộng tại vị trí tiêm hoăc có bất thường gì khác.

- Yêu cầu các cán bộ y tế thông báo về các loại vắc-xin tiêm chủng cho trẻ và hướng dẫn theo dõi trẻ sau tiêm chủng.

- Chủ động đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của trẻ trước khi tiêm.

- Quan sát loại vắc-xin sẽ tiêm cho con mình.

- Đưa trẻ đến điểm tiêm chủng theo đúng thời gian, địa điểm đã được thông báo để đảm bảo điểm tiêm chủng không quá đông và cán bộ y tế thuận tiện thực hành tiêm chủng an toàn.

Nguồn: Phòng Nghiệp Vụ Y-Sở Y tế TP.HCM

(*): Tựa gốc:Những điều cần biết về Quinvaxem

Nguồn: Trung tâm Truyền Thông Giáo Dục Sức Khỏe TP.Hồ Chí Minh

Đăng bởi: ThS.Văn Thị Thùy Linh

[Trở về]

Các tin khác