NỮ SINH BỊ THỦNG VÙNG KÍN DO DAO ĐÂM
Ngày đăng: 17/10/2014
Lượt xem: 8215
Ngày 8.10, khoa ngoại niệu bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận 1 trường hợp vết thương xuyên thấu mông do bị dao đâm gây nhiều bức xúc. Bé gái N.T.U.N, 14 tuổi, được chuyển từ bệnh viện nhi Đồng Nai lên với chẩn đoán vết thương phần mềm mông trái nghi xuyên thấu âm đạo trực tràng do dao. Tại khoa cấp cứu, các bác sĩ đã khẩn trương hồi sức, hội chẩn đánh giá vết thương đang chảy máu vùng hội âm và quyết định can thiệp ngoại khoa khẩn cấp cho bé. Theo lời của bé thì khoảng chiều tối cùng ngày, bé đi học về được bạn chở trên xe đạp. Do yên sau của xe bị hư nên bé có đứng lênn ở tư thế thẳng người ở yên sau xe.
Thình lình, có 2 thanh niên bịt kín khẩu trang, đi xe tay ga, bất ngờ tăng tốc ép sát vào xe đạp của 2 bé và dùng 1 vật sắc nhọn đâm từ phía sau, hướng từ dưới lên vào mông trái của bé và vọt đi mất dạng. Ban đầu, bé tưởng chỉ bị quấy rối sờ mông, nhưng sau đó thấy đau nhói và máu tuôn ra xối xả từ vùng kín. Người dân xung quanh lập tức đưa bé vào bệnh viện cấp cứu. Do vết thương sâu và phức tạp nên bé được chuyển viện ngay trong đêm lên tuyến trên. Tại phòng mổ, các bác sĩ phẫu thuật đã thám sát thấy bé bị vết thương rách thành bên âm đạo khoảng 7 cm chảy máu nhiều, vết thương còn đi sâu vào làm rách thành bàng quang (bọng đái) khoảng 1 cm, nước tiểu chảy ra nhiều. Các bác sĩ đã tiến hành khâu lại thành âm đạo và lỗ thủng ở bàng quang, đồng thời tiến hành mở bàng quang ra da để bảo vệ và tạo điều kiện cho vết mổ lành. Ca mổ khá phức tạp, kéo dài hơn 3 giờ. Hiện bé đã tạm ổn, bớt đau, tỉnh táo và vẫn còn hoảng loạn vì những sự kiện xảy ra.
Thạc sĩ bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, phẫu thuật viên chính, phó khoa ngoại niệu, cho biết đây là 1 trường hợp vết thương phần mềm xuyên thấu phức tạp do tính chất không rõ ràng của vật gây hại. Khi mổ, sau khi thám sát thấy rách các phần âm đạo, bàng quang, các bác sĩ còn phải tiếp tục mở bụng để thám sát thêm bé có bị tổn thương vùng trực tràng hay ruột không. Điều an ủi cho bé là vết đâm may mắn không làm rách các thành phần này; nếu không bé sẽ phải làm hậu môn tạm để chờ vết thương ở phần trực tràng hay ruột lành; sau đó mới đóng hậu môn tạm lại. Ngoài ra, phân ở vùng trực tràng nếu có lan tràn vào ổ bụng thì khả năng nhiễm trùng nhiễm độc sau đó là cực kì cao, thậm chí có thể gây tử vong hoặc gây viêm dính các phần trong ổ bụng, đặc biệt là 2 phần phụ của bé đưa đến khả năng vô sinh. Xét về hành vi này, bác sĩ cho hay có khả năng thuộc vào 2 khuynh hướng. Một là, 2 thanh niên có thể say thuốc kích thích, hành động bộc phát do không kiểm soát được lí trí. Khả năng thứ 2 là nhóm thanh niên này có thể được liệt vào 1 dạng tâm thần, biến thái và xem trò gây hại này là 1 thú vui không cưỡng lại được. Tuy nhiên, dù ở phương diện nào, bác sĩ nhấn mạnh, hành động này của 2 thanh niên kia là 1 hành động bỉ ổi, đe hèn cần lên án và pháp luật phải có biện pháp hành động tích cực để tránh các tai nạn tiếp theo có thể xảy ra.
Các ống dẫn lưu nước tiểu từ bàng quang ra da và từ ổ bụng.
Đăng bởi: BS.CK1 Trương Anh Mậu, khoa ngoại
Các tin khác
Đừng chủ quan với trầm cảm ở trẻ em 23/12/2024
Thót tim vì tò mò chế tạo pháo! 19/12/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 12/2024 04/12/2024