Bấm vào hình để xem kích thước thật

Bệnh lõm ngực

Ngày đăng:  04/06/2013

 
Lượt xem: 50879

Lõm ngực là bệnh gì?

Bệnh lõm ngực bẩm sinh à một loại bệnh gây biến dạng lồng ngực bẩm sịnh. Lồng ngực bị lõm vào trong ở phía trước. Xương ức bị ảnh hưởng nhiều nhất, không còn ở vị trí bình thường mà một phần thường là phía dưới mũi ức bị lõm vào trong.


Cơ chế gây bệnh?

Cơ chế bệnh sinh là do tăng sản quá mức các sụn sườn trong quá trình phát triển của trẻ đẩy xương ức lõm vào trong lồng ngực.

Nguyên nhân gây bệnh?

Mặc dù chưa có bằng chứng về gen liên quan tới bệnh, yếu tố  di truyền  cũng được ghi nhận ở bệnh này. Khoảng 35% người lõm ngực có người thân trong gia đình cùng bị bệnh. Người ta ghi nhận có thể có sự liên quan giữa bệnh lý này và hội chứng Marfant, Poland.

Tỷ lệ bệnh?

Theo các nghiên cứu của Mỹ, tỉ lệ dị tật này chiếm từ  1/400 – 1/300 trẻ  sinh sống, trẻ trai chiếm ưu thế so với trẻ gái với tỷ lệ 3:1. Tại Việt Nam chưa tìm thấy nghiên cứu về tần suất dị tật này.

Biến chứng của bệnh nếu không được điều trị?

Lõm ngực nếu không điều trị tùy theo mức độ sẽ gây các vấn đề về đau do biến dạng xương,  căng cơ hoặc chèn ép tim phổi ảnh hưởng đến hoạt động thể lực của bé. Ngoài ra tâm lý mặc cảm với hình thức dị dạng của mình khi trẻ lớn cũng có thể ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ( thiếu tự tin, chậm phát triển).

Khởi phát và diễn tiến bệnh?

Dị tật có thể phát hiện ngay sau sinh hoặc vào lúc đến tuổi dậy thì. Đa số các trường hợp phát hiện ngay sau sinh.

Bệnh có thể tự hết?

Diễn tiến tự nhiên của dị tật không tự khỏi, mức độ lõm ngực có thể giữ nguyên như sau khi sinh
đến lúc trưởng thành. Tuy nhiên, đa số các trường hợp diễn tiến nặng dần, diễn tiến chậm từ sau
sinh đến tuổi dậy thì và nặng lên rất nhanh trong giai đoạn dậy thì.

Các phương pháp điều trị lõm ngực?

Trước đây, phẫu thuật Ravitch (bằng cách lấy bỏ sụn sườn quá phát nhưng giữ lại màng sụn và cố định xương ức ở vị trí bình thường. Các sụn sườn sau đó sẽ phát triển theo các màng sụn để lại và tạo một khung mới giữ xương ức ở vị trí đã được chỉnh sửa và cố định) là phẫu thuật duy nhất và chuẩn mực để sửa chữa dị dạng lõm ngực bẩm sinh. Tuy nhiên đây là phẫu thuật gây tàn phá, để lại sẹo lớn và một lồng ngực tuy không lõm nhưng cũng không đẹp.

Phương pháp phẫu thuật hiện nay?

Năm 1987, tác giả Donald Nuss giới thiệu một phẫu thuật mới gọi là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu (Nuss procedure), luồn một thanh kim loại qua ngực để nâng phần ngực lõm lên . Phẫu thuật này ngày càng được chấp nhận như một phương pháp thay thế cho kỹ thuật của Ravitch với ưu điểm lớn là xâm lấn tối thiểu, ít tàn phá, thời gian phẫu thuật nhanh, ít mất máu, trẻ nhanh chóng hồi phục về với cuộc sống bình thường do thời gian nằm viện ngắn(2-3 ngày).

Chỉ định mổ lõm ngực khi nào?

Chỉ định phẫu thuật dựa vào triệu chứng mệt khi vận động gắng sức, dấu hiệu đẩy lệch tim và yêu cầu về thẩm mỹ của bệnh nhân.

Tuổi thích hợp phẫu thuật?

Từ 4 tuổi trở lên là có thể phẫu thuật được nhưng còn tùy thuộc vào thể trạng bệnh nhân.

Các biến chứng sau phẫu thuật?

Biến chứng sớm (xảy ra trong tháng đầu tiên)
- Tràn khí màng phổi 6.9%
- Tụ dịch vết mổ 3.3%
- Di lệch thanh kim loại 2.4%
- Thủng tim


Biến chứng muộn
- Viêm màng ngoài tim và tràn dịch màng ngoài tim 1.5%
- Di lệch thanh kim loại 1.2%
- Tràn máu màng phổi 0.9%

Thời gian lấy thanh kim loại ra?  Khoảng 2-3 năm sau mổ.

Chi phí cho cuộc mổ?

Nếu bé có thể bảo hiểm thì sẽ được hưởng phần bảo hiễm của bé; nhưng phần tiền  thanh kim loại nâng ngực lõm thì thân nhân phải thanh toán, khoảng 12-13 triệu đồng/thanh. Bé có thể được đặt 1 hoặc 2 thanh tùy theo mức độ lõm của ngực. Còn chi phí cuộc mổ nếu bé có giấy chuyển viện đúng thủ tục sẽ được bảo hiểm thanh toán theo đúng chế độ.

 

Đăng bởi: BS.CK1. Trương Anh Mậu

[Trở về]

Các tin khác

Tắc ruột vì  14/01/2021