Nguyên nhân và cách phòng bệnh não mô cầu
Ngày đăng: 23/02/2012
Lượt xem: 17119
Bệnh não mô cầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi trùng Nesseria meningitidis gây ra, vi trùng có thể gây tổn thương nhiều nơi trong cơ thể nhưng chủ yếu là nhiễm trùng huyết và viêm màng não. Bệnh có thể xảy ra khắp nơi, gây thành dịch do lây lan nhanh.
Thể lâm sàng gây tử vong cao diễn tiến nhanh trong vòng 24 giờ kể từ khi khởi bệnh là nhiễm não mô cầu tối cấp. Đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và thanh thiếu niên trước đó khỏe mạnh.
Người là đối tượng tự nhiên, duy nhất mang mầm bệnh, bao gồm người bệnh và người lành mang trùng (mang vi trùng nhưng không mắc bệnh, vi trùng thường trú ở vùng họng mũi). Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Thường xảy ra ở những nơi đông người, điều kiện sống chật chội, kém vệ sinh, vào những tháng mùa lạnh và ở nước ta bệnh có thể xuất hiện vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa.
Bệnh não mô cầu thường biểu hiện với 3 thể lâm sàng: viêm màng não, viêm màng não kèm nhiễm trùng huyết và nhiễm trùng huyết không có viêm màng não.
Bệnh khởi phát đột ngột với sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, nôn ói, xuất hiện chấm xuất huyết có màu đỏ (khi đè không mất) thường ở hông, mông, đầu gối, cẳng chân hay một số trường hợp có xuất huyết kết mạc. Trường hợp nặng trong vài giờ sau sốt người bệnh có thể thay đổi tri giác, không nhận thức được, tay chân lạnh, da xanh, vã mồ hôi, những chấm xuất huyết màu đỏ to ra, xuất hiện nhiều hơn và trở nên tím thẫm hay hoại tử đen.
Thể nhiễm trùng huyết tối cấp diễn tiến nhanh chóng đến suy tuần hoàn, suy hô hấp và thường tử vong trong vòng 6-12 giờ sau khởi bệnh. Người bệnh thường bứt rứt, thay đổi tri giác sớm, tay chân giá lạnh, không còn mạch và huyết áp, xuất huyết dưới da nhiều nơi và có màu tím thẫm hay đỏ bầm. Đối tượng có tỷ lệ tử vong cao cho thể lâm sàng này là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi và thanh thiếu niên, đặc biệt là những thanh niên khỏe mạnh vạm vỡ, hay trẻ bụ bẫm. Tỷ lệ tử vong hay biến chứng thấp hơn với thể nhiễm trùng huyết hay viêm màng não.
Nếu bệnh được chẩn đoán và điều trị sớm với kháng sinh thích hợp có thể làm giảm tỷ lệ tử vong và những biến chứng của bệnh lý này.
Bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắcxin, và dự phòng nhiễm bệnh cho người có tiếp xúc gần với người đang bị bệnh bằng kháng sinh (tiếp xúc gần là tiếp xúc với khoảng cách dưới 1 mét, trong thời gian hơn 8 giờ hay sống cùng người bệnh trong thời gian 1 tuần trước hay 1 ngày sau khi bệnh nhân phát bệnh mà chưa được dùng kháng sinh).
Vắc xin có thể phòng bệnh cho nhiều thể huyết thanh của vi trùng (A,C,Y, W135) nhưng hiện nay chưa có vắc xin cho thể huyết thanh B.
Khi xuất hiện triệu chứng sốt, nổi chấm đỏ xuất hiện sớm trong 1 hay 2 ngày đầu của bệnh, người bệnh nên đến khám sớm tại cơ sở y tế để được chẩn đoán, xử trí và hướng dẫn kịp thời.
Đăng bởi: Khoa Hồi Sức
Các tin khác
Đừng quên chích ngừa sởi khi còn có thể! 12/09/2024
Bệnh Sởi Và Những Điều Cần Biết 15/08/2024
Bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng ngừa 13/07/2024
Tiêm vắc-xin để chủ động phòng bệnh Sởi 27/03/2024
Triệu chứng Viêm màng não ở trẻ em 16/01/2024
Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà 17/08/2023