Bé gái 2 tuổi hóc hạt đậu phộng
Ngày đăng: 22/05/2010
Lượt xem: 9295
Cách đây 2 tháng, thấy con ho khò khè, mẹ của Bé Nguyễn Thị T. M. – 2 tuổi nhà ở Đaklak đã đưa con đi khám bệnh nhiều nơi và được Bác sĩ ở một bệnh viện tư chẩn đoán là Suyễn. Khi thấy bé có dấu hiệu khó thở và khò khè kéo dài, và dù đã được điều trị Suyễn nhưng không thấy hết, ngày 15/5/2010, gia đình cho bé nhập khoa Cấp cứu BV Đaklak. Sau đó, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 và điều trị tại Khoa Hô Hấp.
Gia đình bé M cho biết trước đó 2 tháng bé đang ăn đậu phộng trên võng thì bị té xuống đất và sặc. Tại khoa Hô Hấp, các Bác sĩ nghi ngờ bé có khả năng hóc dị vật. Các BS cho bé chụp X-quang phổi thẳng, dù không phát hiện dị vật nhưng có dấu hiệu ứ khí trên phim. Bé không có tiền căn khò khè trước đây. Sau khi hội chẩn với khoa Tai –Mũi-Họng, các BS đã quyết định nội soi đường thở cho bé với ống soi mềm. Khi soi đến khí quản, các BS phát hiện có ½ hạt đậu phộng nằm dưới thanh môn kích thước 4cm. Bé đã được các BS gắp dị vật ra và hiện nay sức khỏe của bé đã ổn định
Theo bác sĩ Trần Thị Quỳnh Hương- Phó Khoa DV Hô Hấp, những trường hợp này đa số là trẻ nhỏ, từ vài tháng đến vài tuổi, thường là hóc các loại hạt như bí, dưa, mãng cầu, đậu phộng... hay những dị vật khác như đầu bút bi... Điều đáng nói là nhiều em từng bị chẩn đoán nhầm là Viêm phổi, Viêm phế quản hay Suyễn, được cho dùng kháng sinh kéo dài dẫn đến những biến chứng nặng như xẹp phổi, có mủ trong phổi...
Bác sĩ Hương cũng khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần luôn để ý đến con, tránh cho bé ăn các loại thực phẩm dễ gây hóc, nghẹt đường thở như các loại hạt, thạch... Khi trẻ có biểu hiện ho khò khè lâu ngày hay khó thở, cần đưa con đi khám ngay tại các BV chuyên khoa để được bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh và điều trị thích hợp.
Đăng bởi: Thanh Hà
Các tin khác
Chương trình Giao lưu trực tuyến, chủ đề: “Trẻ sinh non và những lưu ý trong quá trình chăm sóc” 12/11/2024
Hội thảo chuyên đề định kỳ tháng 11/2024 06/11/2024